Hướng đi nào cho trường dự bị đại học?

Mặc dù học sinh hệ dự bị đại học (ĐH) được hưởng nhiều ưu đãi như miễn học phí, miễn phí ở ký túc xá, mỗi tháng được nhận học bổng bằng 80% lương tối thiểu của Nhà nước nhưng tình hình tuyển sinh của nhiều trường dự bị ĐH những năm gần đây rất khó khăn. Nguyên nhân là vì hiện nay nhiều trường ĐH lấy điểm chuẩn vào trường rất thấp, học sinh có thể trực tiếp trúng tuyển mà không phải mất thêm 1 năm học dự bị ĐH như trước đây.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chật vật tuyển sinh

Hiện nay hệ dự bị ĐH là loại hình đào tạo chuyên biệt, ưu tiên dành cho học sinh dân tộc thiểu số; có nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào học ĐH, CĐ nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Học sinh dự bị ĐH được hưởng nhiều ưu đãi theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ GDĐT và Bộ Tài chính, Trong đó, ngoài được miễn học phí, miễn phí ở ký túc xá còn được nhận học bổng bằng 80% lương tối thiểu của Nhà nước (từ ngày 1/7/2019 là 1.192.000 đồng/tháng). Đây là những chính sách tích cực của Đảng, Nhà nước để giúp cho học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện theo học tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước

Theo thông tin từ Trường Dự bị ĐH TP HCM, ngoài các chính sách trên, nhà trường còn cấp tập vở, bút viết, balo, mùng, mền, chiếu, 1 bộ đồng phục cho học sinh trúng tuyển vào trường, được thanh toán tiền tàu xe 2 lượt về quê... Hiện nhà trường đang nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh đợt 2 tới hết ngày 20/9/2019 (căn cứ theo dấu bưu điện) và sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển ngày 21/9/2019.

Về đối tượng được xét tuyển vào trường là thí sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1 và được hưởng ưu tiên tại Khu vực 1 quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT.

Với thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người đã tốt nghiệp THPT thuộc diện đối tượng được tuyển thẳng vào trường.

Theo Điều 3 và Điều 4, chương II của Thông tư quy định phương thức xét tuyển vào các trường dự bị ĐH là xét tuyển theo điểm thi THPT hoặc xét tuyển theo điểm học bạ. Nếu xét tuyển theo điểm thi THPT, điểm tối thiểu phải là 12 cho mỗi tổ hợp môn (chưa kể điểm ưu tiên khu vực, đối tượng). Nếu xét tuyển theo điểm học bạ, điểm trung bình tối thiểu mỗi môn trong tổ hợp phải là 6,0..

Tuy nhiên nhìn từ thực tế tuyển sinh những năm gần đây, một số trường dự bị ĐH không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu do Bộ GDĐT đã phân bổ, có trường liên tục nhiều năm liền tuyển sinh không đạt 50% chỉ tiêu.

Nguyên nhân là do tình trạng tuyển sinh ĐH ngày càng dễ dãi, các trường lấy điểm chuẩn thấp hơn cả mức điểm chuẩn của hệ dự bị ĐH là 12 (nếu cộng các điểm ưu tiên 2,75 sẽ thành 14,75) nên nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã đỗ thẳng vào ĐH mà không cần phải qua một năm học dự bị ĐH.

Sáp nhập nâng hiệu quả

Thạc sĩ Lê Hữu Thức - Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH TP HCM cho biết, giai đoạn đầu áp dụng chính sách cử tuyển sinh viên học trực tiếp tại các trường ĐH, nhưng do các trường than phiền nên chuyển qua trường dự bị đào tạo 1 năm để “lọc” trước một bước. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của trường, sau 1 năm học, chỉ có khoảng 50% sinh viên đủ trình độ để học tiếp chương trình tại các trường ĐH. Việc siết chuẩn tại trường dẫn đến chuyện một số tỉnh không chuyển học sinh về trường dự bị ĐH mà chuyển vào khoa dự bị của các trường ĐH rồi vào học thẳng ĐH.

Khó càng thêm khó trong khi ngay cả với các sinh viên đã qua một bước “lọc” ở trường dự bị ĐH, không phải em nào cũng theo được chương trình ở bậc ĐH. Chất lượng đầu vào là một vấn đề.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cũng là một băn khoăn lớn với các trường hợp cử tuyển này. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, do việc cử đi của các địa phương và khi sử dụng không khớp nên nhiều em học xong không có việc làm, phải làm trái ngành, trái nghề cũng là một sự lãng phí lớn. Như thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, cho đến năm 2019 sẽ có 312 sinh viên thuộc hệ cử tuyển chưa thể bố trí được công việc khi tốt nghiệp ra trường. Chính vì vậy, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đề xuất tạm dừng cử tuyển đến năm 2020 để xử lý tình trạng tồn đọng về việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường vì tình hình phân bổ biên chế tại địa phương không được tăng.

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, mô hình đào tạo dự bị ĐH bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được đã bộc lộ một số vấn đề bất ổn. Tại hội nghị mới đây về sắp xếp lại các đơn vị của ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì, các đại biểu đã góp ý xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập đối với 55 đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có các trường dự bị ĐH. Nhiều phương án, mô hình đã được đưa ra để tham khảo. Trong đó, các đại biểu đã nhất trí, đồng thuận cao với quan điểm của hội nghị về việc xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có chủ trương sáp nhập một số trường dự bị ĐH hoạt động kém hiệu quả vào trường ĐH dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, có lộ trình phù hợp ở từng giai đoạn từ 2019-2030.

Trên thực tế, việc sáp nhập vào các trường ĐH theo mô hình khoa dự bị dân tộc hiện hoạt động khá hiệu quả ở các trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh... có thể là một trong những mô hình hay có thể tham khảo đối với các cơ sở dự bị ĐH khác trên cả nước.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/huong-di-nao-cho-truong-du-bi-dai-hoc-tintuc447634