Hướng đi nào cho Tái chế rác thải nhựa

Cách đây nửa thế kỷ được sở hữu một cái áo chất pha ni-lông là niềm ao ước của rất nhiều người bởi các ưu điểm đặc trưng cản gió, chống nước, không nhăn và bền màu... 50 năm sau, rác thải từ nhựa đã trở thành vấn nạn khiến xã hội phải vào cuộc. Thu gom, phân loại tái chế là một trong những khâu cần thiết và quan trọng để hạn chế những tác động xấu của rác thải nhựa đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên đây là hành trình vô cùng nan giải.

Giàu nhưng bất an ở làng nghề tái chế nhựa

Thôn Minh Khai (thuộc thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) lâu nay vẫn được nhiều người biết đến là trung tâm tái chế nhựa có quy mô lớn nhất miền bắc. Đời sống khá giả, có của ăn của để, người dân sắm được nhà lầu xe hơi từ nghề thu gom và tái chế nhựa. Nhưng rồi, chính người dân ở đây không thể chịu được vì những hệ lụy từ nghề, như ông Phùng Văn Sơn, Bí thư chi bộ thôn cách đây không lâu đã từng thừa nhận.

Làng nghề vốn giàu, các tuyến đường chính nhiều năm nay được rải bê-tông khang trang rộng rãi nhưng rác ngập đường, đầu thôn cuối thôn đâu cũng nhếch nhác, bẩn thỉu. Bà Nguyễn Thị Bình có xưởng thu gom tái chế phế liệu thành hạt nhựa ngay trong thôn cho biết, nhà bà vừa là nơi ăn ở sinh hoạt, vừa là xưởng sản xuất. Cả nhà chấp nhận sống chung với rác nhiều năm nay. Đêm ngủ đóng kín cửa mà mỗi sáng đồ đạc vật dụng phủ lớp bụi dày, khăn lau đen kịt. Bà Bình bày tỏ mong mỏi sớm được di chuyển cơ sở sản xuất đến cụm công nghiệp làng nghề ở xa khu dân cư để bảo đảm sức khỏe cho gia đình hơn.

Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề báo động nhiều năm nay ở các làng nghề. Đe dọa sức khỏe và nguy cơ mất an toàn cho người lao động trong các công đoạn tái chế phế liệu nhựa luôn là nỗi lo của người dân nơi đây. Trước thực trạng đó, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng dự án quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề, định hướng đến năm 2020. Theo đó, tới đây sẽ di chuyển toàn bộ các hộ làm nghề tái chế nhựa ra cụm công nghiệp làng nghề. Lò đốt chất thải rắn được vận hành ngay tại thôn Minh Khai để xử lý chất thải rắn tồn đọng khoảng 30 nghìn tấn, nằm rải rác trong làng nghề, chính quyền các cấp đã rốt ráo việc rà soát khắc phục vướng mắc để trạm xử lý nước thải trong khu công nghiệp sớm đi vào vận hành.

Rõ ràng để giải được bài toán môi trường ở Minh Khai, Nhà nước đã phải vào cuộc, tốn kém nhiều công sức, tiền của.

Hài hòa bài toán kinh tế và môi trường, bảo đảm sinh kế cho người dân, quyền được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh là nhu cầu chính đáng của người dân. Bài toán cần thiết và cấp bách được đặt ra là phải có công nghệ xử lý rác thải nhựa thay thế, ít để lại hệ lụy đến môi trường sống hơn cách truyền thống như làng nghề Minh Khai...

Chọn hướng đi nào

Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đe dọa đời sống dân sinh không thể chỉ ngày một ngày hai. Việc thu gom tái chế rác thải nhựa đã được tính đến từ rất sớm. Phân loại rác tại nguồn vốn từng được tuyên truyền phát động người dân thực hiện mạnh mẽ từ những năm 2006 - 2009 khởi phát từ dự án của JICA Nhật Bản. Giáo sư Đặng Cẩm Hà (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, một thời ta đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn rất tốt, tiếc là không làm đến nơi đến chốn. Đừng đổ lỗi mô hình này không hiệu quả là do ý thức người dân. Tôi rất ít khi thấy trẻ em xả rác bừa bãi. Theo tôi, hệ thống nhà trường đã làm rất tốt công tác lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong chương trình cho học sinh, đặc biệt là ở bậc tiểu học.

Vài năm lại đây, một số địa phương đơn vị đã thực hiện khá triệt để việc phân loại rác tại nguồn. Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (Long Biên, Hà Nội) là nơi thực hiện việc phân loại rác hiệu quả ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động năm 2015. Người dân dễ dàng nhìn thấy hệ thống thùng được chia ngăn phân loại rác và hầu hết người dân tự giác thực hiện khá nghiêm chỉnh.

Gia đình bà Lưu Phương định cư ở Pháp đã 15 năm nay. Dịp Tết cổ truyền vừa rồi, bà về thăm quê, bày tỏ sự phấn khởi vì những chuyển biến tích cực của đất nước, bắt đầu từ chuyện rác. Ở sân bay, hay đến bệnh viện thăm người nhà, bà bắt gặp hình ảnh những cô cậu bé tuổi mẫu giáo tiểu học, cầm cái giấy bọc kẹo, vỏ sữa... khi chưa nhìn thấy thùng rác để vứt. Đáng lưu ý là những nơi công cộng cần trang bị thùng rác chia ngăn nhiều hơn. Nếu có các loại thùng rác phân loại đặt cạnh nhau thì người dân không ngần ngại bỏ vỏ chai nhựa, ống hút, túi nilon... vào đúng ngăn rác thải rắn; vỏ trái cây, xác động vật... vào ngăn rác hữu cơ. Trang bị cơ sở vật chất và công tác xử lý sau phân loại là khâu cần hoàn thiện để mô hình phân loại rác tại nguồn phát huy hiệu quả.

Có một mô hình phân loại xử lý rác rất khả quan đang được triển khai ở Quảng Bình. Dự án Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH Phát triển dự án làm chủ đầu tư tại xã Lý Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Nhà máy đi vào vận hành được gần hai năm, bước đầu phân loại và xử lý, vận hành đồng bộ, tỷ lệ rác thải chôn lấp của tỉnh chỉ còn dưới 7%. Công nghệ này tích hợp ba công nghệ: xử lý chất thải rắn thông thường nhằm thu hồi vật liệu có thể tái chế, tạo khí phát điện và sản xuất phân bón khoáng hữu cơ xử lý được CTR sinh hoạt và chất thải nông nghiệp. Đây là phiên bản mới được nghiên cứu thiết kế riêng, phù hợp cho quốc gia vùng nhiệt đới và được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam có thể chịu được mưa, độ ẩm cao và tốc độ gió bão. Mô hình này được đánh giá là giải pháp phù hợp trong xử lý rác nói chung theo hướng tái chế, tái sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, tận dụng năng lượng. Hệ thống tách từ, phân tích phổ, nghiền sàng sấy có thể phân tách chất thải rắn sinh hoạt thành các vật liệu có thể tái chế... Năng lượng phát thải được tận dụng biến đổi thành điện năng phục vụ nhà máy và hòa điện lưới quốc gia. Dưới góc độ phát triển và phát triển bền vững, các nhà khoa học nhận định đây là hướng đi đúng, nhiều tiềm năng để hướng tới xây dựng đô thị phát triển văn minh, bền vững.

Tuy hệ thống các dây chuyền công nghệ này giải quyết được những khó khăn cơ bản về vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhưng đến nay hoạt động của nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Xuân Dung, đại diện lãnh đạo công ty cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực môi trường vì sự phát triển bền vững là lĩnh vực đầy khó khăn và thách thức, chúng tôi cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền về cả cơ chế chính sách và nguồn lực tài chính. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị được miễn giảm thuế, giảm lãi suất, có cơ hội tiếp cận với các quỹ hỗ trợ, các tổ chức tín dụng đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực môi trường với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới và đặc biệt hiện thực hóa đơn giá xử lý rác thải tại tỉnh nhà.

GS, TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam luôn tâm tư trước vấn đề môi trường và làng nghề, đặc biệt làng nghề tái chế nhựa. Nếu coi tái chế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, giảm thải nhựa, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là túi ni-lông sử dụng một lần); áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa hướng tới một xã hội tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra để phát huy công tác quản lý CTR có hiệu quả và bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ của bốn nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Trên hết, giải pháp nào đi chăng nữa, yếu tố mang tính quyết định vẫn là con người...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/doi-song-xa-hoi/item/40386002-huong-di-nao-cho-tai-che-rac-thai-nhua.html