Hướng đi nào cho phát triển dược liệu ở Nghệ An?

Tỉnh Nghệ An được xác định có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp dược phẩm gắn liền với trồng cây dược liệu trên địa bàn. Tuy nhiên nhiều năm qua tiềm năng này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi nguồn.

Phát triển manh mún, đầu ra khó tiêu thụ

Hiện nay, tại Nghệ An, việc trồng, phát triển cây dược liệu ngoài đang ở quy mô nhỏ lẻ. Một số hộ cũng ý thức trồng cây dược liệu, tuy nhiên, việc lo đầu ra cho sản phẩm là vấn đề đáng lo ngại.

Chị Mai Thị Hường, thôn 7, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai đang chăm sóc ruộng cà gai leo chia sẻ: Gia đình tôi trồng 2 sào cà gai leo. Loại cây này có thể sử dụng tất cả các bộ phận từ thân, lá, rễ. Để trồng được loại cây này rất khó nhọc, nông dân phải nói không với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sản lượng không cao. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây Sâm Puxailaileng tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Lữ Phú

Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây Sâm Puxailaileng tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Lữ Phú

Hiện cây dược liệu được bà con Hoàng Mai trồng chủ yếu là cà gai leo, mã đề, nghệ vàng, kim tiền thảo, xuyên tam liên… trong đó riêng diện tích cây nghệ vàng trên 200 ha, tập trung ở các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh. Tuy nhiên do đầu ra khó tiêu thụ nên nông dân chưa mặn mà với cây dược liệu.

Địa bàn huyện Nghi Lộc có khá nhiều diện tích cây dược liệu, tuy nhiên do “tắc” đầu ra nên nhiều bà con bỏ cây trồng này. Ông Trần Long ở xóm 1 xã Nghi Văn cho biết: Gia đình trồng 3 sào nhân trần và mã đề, những năm trước bán với giá 30.000 đồng/kg nhân trần. Tuy nhiên, từ năm 2018 đầu ra cho cây dược liệu khó khăn, có thời điểm tồn hàng phải bán tống bán tháo, vì vậy gia đình đã phải bỏ cây dược liệu chuyển sang trồng màu.

Cây dược liệu được trồng trên nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, cây thuốc ở Nghệ An ngày càng suy giảm. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn. Nhiều cánh rừng trước đây có trữ lượng lớn những cây làm thuốc như: Hoàng đằng, ngũ gia bì chân chim, thiên niên kiện, bách bộ, cẩu tích… nay đã dần biến mất.

Một số loài quý hiếm đang ở nguy cơ bị tuyệt chủng. Đơn cử như với loại kê huyết đằng, có thể khai thác khoảng 50 tấn/năm, nay chỉ còn rải rác trong Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống…

Nghệ An có diện tích đất lâm nghiệp gần 1 triệu ha, lại có đa dạng sinh học với nhiều cây dược liệu quý. Theo thống kê có 962 loài cây và nấm làm thuốc. Trong danh mục cây thuốc và vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây thuốc mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng.

Vườn cây thìa canh tại Pù Mát (Con Cuông). Ảnh: Xuân Hoàng

Hầu hết các dược liệu mà người dân tự ý khai thác được tư thương thu mua, xuất sang nước Trung Quốc với giá rẻ. Nguyên nhân một phần là thời gian vừa qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức về cả quy hoạch và chính sách đầu tư. Như chưa có chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu cũng như ưu tiên sử dụng dược liệu trong tỉnh. Đang thiếu thông tin kết quả nghiên cứu cơ bản về cây thuốc ở Việt Nam, như hoạt tính, hoạt dược, điều kiện canh tác, sản xuất giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản… Chưa có kết nối theo chuỗi trong sản xuất dược liệu, thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực này…

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An

Chế biến sâu - Hướng đi bền vững

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay tỉnh Nghệ An đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp... liên doanh đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn.

Hiện đã có một số cá nhân, tổ chức xây dựng được các mô hình trồng, chế biến dược liệu ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Yên Thành, Quỳnh Lưu… Tuy nhiên tất cả đều đang ở giai đoạn khởi động và chưa định hình rõ đầu ra.

Ươm và chế biến trà hoa vàng ở huyện Quế Phong. Ảnh: Lâm Tùng

Để nâng cao giá trị cây dược liệu, cần chuyển dần từ sản xuất nguyên liệu, dược liệu sang chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, xây dựng thương hiệu cho từng vùng, từng địa phương tạo thế mạnh để ổn định thị trường. Ưu tiên nghiên cứu lựa chọn loài có giá trị kinh tế, giá trị sử dụng phù hợp với điều kiện sinh thái trong quy hoạch vùng nguyên liệu để gây trồng.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Hải - Trường Đại học Lâm nghiệp

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, ông Trần Quốc Thành cho biết thêm: Đẩy nhanh lộ trình điều tra, đánh giá dạng sinh học, nhất là đối tượng dược liệu trên khu vực miền Tây, đồng thời sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở đó, tỉnh cần xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương, các cấp trong quản lý, chính sách hỗ trợ phát triển (hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kết nối chuỗi, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách ưu tiên sử dụng dược liệu tại chỗ, chính sách thu hút đầu tư… Để từ đó làm cơ sở để các chủ rừng - kể cả Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, vùng rừng phòng hộ…) bảo tồn dược liệu kết hợp hướng dẫn nhân dân khai thác có kế hoạch.

Nhiều người dân Yên Thành đã đầu tư hàng chục triệu đồng để trồng cây dược liệu hàng hóa. Ảnh tư liệu

Cùng đó, các huyện, các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển (trồng và sơ chế), hình thành chuỗi liên kết. Tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và nhà máy chiết xuất hoạt chất và đông dược trên địa bàn tỉnh.

Ngành cũng mong tỉnh có cơ chế, chế tài chuyên biệt đối với nhóm cây dược liệu để quản lý vấn đề khai thác trong tự nhiên. Phải coi dược liệu là lâm sản đặc thù để hướng dẫn các chủ rừng, nhân dân khai thác có sự kiểm soát, có kế hoạch và cấp chứng nhận xuất xứ.

Văn Trường

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/huong-di-nao-cho-phat-trien-duoc-lieu-o-nghe-an-249272.html