Hướng đi mới thời dịch tả lợn

Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu được khống chế, chăn nuôi dê đang được xem là một hướng đi giúp ổn định sản xuất cho các hộ nông dân. Dù vậy, để ngành hàng này tiếp tục phát triển, cần thêm những đòn bẩy về chính sách.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Tận dụng địa thế đồi gò cùng kiến thức tích lũy được, ông Nguyễn Văn Bản ở thôn Giữa Quýt (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) đã mạnh dạn đầu tư mua con giống, chăn thả hơn 200 con dê. Theo ông Bản, so với các loại vật nuôi khác như trâu, bò, lợn gà… nuôi dê có phần đơn giản hơn. Thiết kế chuồng trại không quá cầu kỳ, lượng tiêu thụ thức ăn hỗn hợp thấp. Buổi sáng, ông Bản thả dê lên núi, tối lại đưa về chuồng. Vào những tháng mùa Đông, ông chỉ cần bổ sung thêm cám và nước uống ấm cho đàn dê.

 Chăn nuôi dê tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lâm Nguyễn

Chăn nuôi dê tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Lâm Nguyễn

Điều đáng mừng là thịt dê có giá bán khá ổn định. Hiện, thịt dê thương phẩm của gia đình ông Bản được thương lái tìm về đặt mua tận nơi với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Với đàn dê khoảng 200 con, mỗi năm ông Bản thu về khoảng 180 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Bản, tại xã Tuy Lai hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn khoảng 2.000 con. Xét trên bình diện toàn TP Hà Nội, tổng số hộ nuôi dê là trên 400 hộ với 11.541 con. Chăn nuôi dê hiện tập trung chủ yếu tại các địa phương vùng đồi gò như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn.

Theo chia sẻ của nhiều hộ chăn nuôi dê, trong bối cảnh thiếu nguồn cung thịt lợn do dịch tả châu Phi hoành hành, thịt dê đang dần trở thành một lựa chọn phù hợp túi tiền và thị hiếu cho người tiêu dùng Thủ đô. Giá thịt dê hiện đang tăng nhẹ, ở mức 160.000 – 170.000 đồng/kg, cũng là yếu tố khiến người chăn nuôi dê rất phấn khởi.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Với rất nhiều ưu điểm, chăn nuôi dê đang được xem là hướng đi cho các nông hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào những tháng cuối năm.

Dù vậy, việc phát triển đàn dê trên địa bàn Hà Nội hiện còn không ít khó khăn, do thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy. Thực tế, trong hai năm 2018 – 2019, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội mới chỉ hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi dê tại 11 hộ thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho trên 100 hộ nuôi dê về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh... Trên cơ sở đánh giá hiệu quả từ các mô hình thí điểm, Trung tâm sẽ khuyến nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người chăn nuôi dê vẫn chủ yếu phải tự thân vận động, thay vì trông chờ vào trợ lực từ các sở, ngành, địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Kim Vũ cho rằng, chăn nuôi dê không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho cư dân tại các vùng đồi gò, bán sơn địa, mà đây còn có thể là “cứu cánh” cho các hộ chăn nuôi lợn. Nhưng để ngành hàng này thực sự có bước đột phá về lượng và chất, rất cần thêm những đòn bẩy về chính sách.

Theo đó, ông Vũ kiến nghị thời gian tới, TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhập dê đực cao sản giống Sanee, Boer… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn dê. Có cơ chế khuyến khích cơ giới hóa trong chăn nuôi dê, đặc biệt là ở hai khâu phối trộn thức ăn và thu hoạch sữa dê.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất giống, sữa dê, các sản phẩm từ thịt dê… nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành hàng này.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huong-di-moi-thoi-dich-ta-lon-348974.html