Hướng đi mới để tập hợp, đoàn kết thanh niên xã vùng cao biên giới

Với ưu điểm cho thu nhập ổn định, không phải đi xa, lo lắng nhiều về các rủi ro cho sức khỏe và hạnh phúc gia đình… mô hình chăn nuôi trâu bò của Mùa A Ninh, Bí thư Đoàn xã Ma Thì Hồ, thực sự là điểm sáng không chỉ để thanh niên trong xã học tập mà còn để các tổ chức đoàn các cấp lưu tâm, nhân rộng, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên vừa mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên.

Tạo việc làm ổn định ngay tại địa phương

Ma Thì Hồ là một xã vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên với địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, độ dốc lớn. Toàn xã có 841 hộ tương ứng với 4.463 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 98,5 %, dân tộc Kinh chiếm 1,2 %, dân tộc Thái chiếm 0,3 %; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (53,85%). Đời sống, việc làm của bà con Nhân dân và thanh niên trong xã rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cả năm chỉ có 3-4 tháng lao động gieo trồng và thu hoạch, còn lại 8-9 tháng trong năm là nhàn rỗi, không biết làm gì.

Do vậy, nhiều đoàn viên thanh niên, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa rủ nhau đi làm ăn xa cả năm mới về nhà một vài lần, dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng, vợ con bị người lạ mặt, người xấu lợi dụng, lừa bán qua biên giới, không chỉ phá vỡ hạnh phúc gia đình mà còn gây khó khăn trong việc thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội. Đây cũng chính là kẽ hở để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động Nhân dân và đoàn viên thanh niên di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật và vi phạm pháp luật.

Đến nay, mô hình chăn nuôi trâu bò của Bí thư Đoàn xã Ma Thì Hồ đã phát triển lên gần 20 con với tổng trị giá 600 - 700 triệu đồng, chưa kể 5-6 năm nay năm nào cũng được bán 1-2 con cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng (tương đương thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng).

Bí thư Đoàn xã Mùa A Ninh chia sẻ, trong điều kiện khó khăn chung của xã vẫn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đó là bãi chăn thả rộng, có nhiều cỏ, khí hậu phù hợp... để chăn nuôi phát triển đàn gia súc. Hơn nữa, hầu hết các hộ dân đều sản xuất nông nghiệp nên mô hình chăn nuôi trâu, bò rất hợp lý, vừa để lấy sức cày kéo và phân bón vừa có sản phẩm thịt chất lượng tốt, giá cả cao bán cho người tiêu dùng.

Theo Mùa A Ninh, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao nên việc thực hiện mô hình này thực chất là tạo việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương, giúp các hộ gia đình từng bước cải thiện đời sống với sản phẩm sạch và an toàn cho thị trường.

Tâm sự về quá trình phát triển chăn nuôi của mình, Mùa A Ninh cho biết, năm 2008 gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng mua 01 con trâu cái về nuôi, đến năm 2012 phát triển thêm 03 con. Thấy mô hình có hiệu quả, năm 2013 và năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục cho vay thêm 80 triệu để mua 02 con trâu nái và 03 con bò sinh sản.

“Hiện nay, gia đình có 11 con trâu và 08 con bò lớn nhỏ các loại. Mấy năm nay nhờ có tiền bán trâu bò, nên đã tu sửa nhà cửa, xây nhà tắm có nóng lạnh, xây nhà vệ sinh tự hoại sạch sẽ và mở rộng diện tích ruộng nương trồng trọt”, thủ lĩnh thanh niên xã Ma Thì Hồ tự hào nói.

Mong muốn thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Đưa tôi về thăm ngôi nhà được xây cất theo lối truyền thống người Mông, rộng rãi, sạch sẽ, chắc chắn và tươm tất tiện nghi sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy khâu…, vừa cho đàn gà, ngan hơn 100 con ăn, vợ chồng A Ninh vừa tâm sự: “chăn nuôi gà, ngan và cả mấy con lợn đen chỉ để cải thiện bữa ăn hàng ngày và khi lễ, tết thôi, chứ để có thu nhập mua sắm, chi tiêu chủ yếu trông vào chăn nuôi trâu bò”.

 Cháng A Chỉnh và con trâu trắng được Mùa A Ninh hỗ trợ nuôi thí điểm để phát triển kinh tế (Ảnh: Đoàn xã cung cấp)

Cháng A Chỉnh và con trâu trắng được Mùa A Ninh hỗ trợ nuôi thí điểm để phát triển kinh tế (Ảnh: Đoàn xã cung cấp)

Mùa đông ở đây rét đậm, rét hại và nhiều sương muối làm cỏ không mọc được khiến đàn gia súc bị thiếu thức ăn, cộng với ẩm ướt nhiều nên trâu bò dễ mắc các bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Vì vậy, gia đình A Ninh và một số hộ đoàn viên thanh niên đã chủ động chuyển sang hình thức chăn nuôi nhốt chuồng kết hợp với trồng thêm cỏ voi và gom rơm dự trữ mỗi khi thời tiết ẩm ướt, rét đậm, rét hại kéo dài. Chuồng trại chăn nuôi rộng rãi, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng xung quanh chuồng trại và tiêm phòng cho trâu bò.

Trăn trở trước thực trạng đa phần thanh niên trong xã thiếu sinh kế cải thiện cuộc sống ngay tại quê hương, kéo theo khó khăn trong việc thu hút tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, Bí thư Đoàn xã Ma Thì Hồ bày tỏ mong muốn cấp ủy, chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tạo thuận lợi cho Nhân dân và đoàn viên thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Mùa A Ninh cho hay, hiện cả xã có 380 đoàn viên thanh niên, chủ yếu làm nương rẫy, trong đó gần 100 người có bãi chăn thả rộng rãi nhưng thiếu vốn đầu tư mua con giống nên sau khoảng thời gian làm nương rẫy thường rủ nhau đi xa làm thuê. “Bên cạnh đó, các bạn đoàn viên thanh niên cũng phải thay đổi nhận thức, từ bỏ suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, phải tự giác và chủ động vươn lên thoát nghèo thì mới có cơ hội thay đổi hoàn cảnh hiện nay được”, A Ninh quả quyết nói.

Thực tế trong xã hiện có 4-5 hộ đoàn viên thanh niên sở hữu đàn trâu bò trị giá hàng trăm triệu đồng, thu nhập hàng năm ổn định và trở thành hộ khá giả được cả xã biết đến, tiêu biểu như hộ Chớ A Sàng (bản Ma Thì Hồ 2), Hạng A Ly (bản Hồ Chim 2)…

Được biết, với vai trò nêu gương trong thu hút tập hợp đoàn kết thanh niên cũng như thực hiện chủ trương 1+1 (mỗi cán bộ, đoàn viên giúp đỡ, thu hút 1 thanh niên) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn khóa XI, Bí thư Mùa A Ninh đã hỗ trợ 01 con trâu cái cho Cháng A Chỉnh (29 tuổi) ở bản Háng Lìa đã tốt nghiệp Đại học nhưng chưa có việc làm ổn định nuôi thí điểm để có sức cày kéo cho gia đình, khi nào trâu đẻ thì anh em chia đôi. Mùa A Ninh dự kiến nếu mô hình này thuận lợi, chăn nuôi sinh đẻ tốt thì sẽ nhân rộng cho những gia đình trẻ có nghị lực khác cùng nuôi, hỗ trợ các bạn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Từ đây mở ra hướng đi mới giúp cho nhiều đoàn viên thanh niên có ý chí, nghị lực vươn lên có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại quê hương, không phải đi xa làm thuê, giữ gìn hạnh phúc gia đình, tạo thuận lợi cho tổ chức Đoàn - Hội thu hút thêm được nhiều thành viên tham gia sinh hoạt, góp phần xây dựng thôn bản, giữ gìn an ninh chủ quyền vùng biên vững mạnh./.

Phạm Quỳnh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/huong-di-moi-de-tap-hop-doan-ket-thanh-nien-xa-vung-cao-bien-gioi-582810.html