Hướng đi mới của nhà sáng lập Cáp điện Thịnh Phát

Nhà sáng lập thương hiệu dây cáp điện Thịnh Phát chi 82 tỷ đồng để làm cổ đông lớn tại Long Hậu sau khi chuyển nhượng doanh nghiệp của mình cho Tập đoàn Stark.

Công ty Cổ phần Long Hậu thông báo ông Võ Tấn Thịnh trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Từ ngày 20/8 đến 24/8, ông Thịnh mua gần 3,5 triệu cổ phiếu công ty này, tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 11,9%.

Giao dịch gom cổ phiếu Long Hậu của ông Thịnh thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Vị doanh nhân chi hơn 82 tỷ đồng để gom 7% cổ phần doanh nghiệp bất động sản công nghiệp này.

Ông Võ Tấn Thịnh là nhà sáng lập, nguyên chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát, một trong những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dây cáp điện.

Hồi tháng 4, Tập đoàn Thái Lan Stark hoàn tất việc mua lại 100% vốn của Thịnh Phát và Dovina. Dovina là công ty do các cổ đông lớn của Thịnh Phát thành lập, cung cấp nguyên liệu đồng, nhôm cho chính doanh nghiệp này và những công ty khác sản xuất dây cáp điện.

Stark cho biết mức giá mua lại Thịnh Phát và Dovina không quá 240 triệu USD, tương đương 5.600 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành thương vụ thâu tóm, phía Thái Lan đã cử nhân sự tiếp quản điều hành hai công ty này thay ông Thịnh.

 Ông Võ Tấn Thịnh. Ảnh: Thipha Cable.

Ông Võ Tấn Thịnh. Ảnh: Thipha Cable.

Trước khi bán lại công ty cho nhà đầu tư Thái Lan, ông Võ Tấn Thịnh nắm giữ 99,9% cổ phần Thịnh Phát và 77% cổ phần Dovina. Như vậy, ước tính doanh nhân này thu về không dưới 5.000 tỷ đồng sau thương vụ chuyển nhượng trên.

Trước khi bán Thịnh Phát và Dovina cho tập đoàn Thái Lan, vào tháng 7/2019, ông Võ Tấn Thịnh đã tách doanh nghiệp của mình thành hai công ty riêng biệt là Công ty Cáp điện Thịnh Phát và Công ty Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát.

Trước khi đầu tư vào Long Hậu, ông Thịnh đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Công ty Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát là chủ đầu tư khu công nghiệp Thịnh Phát có diện tích 74 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khu công nghiệp này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2, mở rộng diện tích lên 113 ha.

Tháng 8/2019, Thủ tướng quyết định chủ trương điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án khu công nghiệp Thịnh Phát sang một pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Tổng hợp Thịnh Phát. Ông Võ Tấn Thịnh cũng chính là giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty này.

Long Hậu, công ty ông Thịnh vừa rót gần 100 tỷ để tăng tỷ lệ sở hữu, thành lập vào năm 2006. Long Hậu hiện là chủ đầu tư 3 khu công nghiệp tại Long An với tổng diện tích 500 ha. Ngoài ra, doanh nghiệp còn sở hữu một khu nhà xưởng công nghệ cao ở Đà Nẵng.

Cổ đông sáng lập doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Việt Âu. IPC hiện là cổ đông lớn nhất của Long Hậu với 48,6% cổ phần. Sau khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 11,9%, ông Võ Tấn Thịnh trở thành cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp sau IPC.

Năm 2019, Long Hậu đạt doanh thu thuần 600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 390 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 110 tỷ, tăng trưởng đột biến tới 40% so với cùng kỳ năm trước.

Sau thông tin ông Võ Tấn Thịnh trở thành cổ đông lớn, giao dịch cổ phiếu Long Hậu diễn biến tích cực, tăng trần trong 2 phiên gần nhất. Đóng cửa phiên 27/8, thị giá cổ phiếu leo lên mốc 28.600 đồng, mức cao nhất từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huong-di-moi-cua-nha-sang-lap-cap-dien-thinh-phat-post1124965.html