Hướng đi mới của nền nông nghiệp sạch, bền vững

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang chịu chi phí vật tư quá cao và sử dụng quá nhiều nước, chất lượng sản phẩm cũng chưa được chủ động kiểm soát, đó là tồn tại nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp ứng dụng những công nghệ thông minh.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới những hạn chế của một mô hình tăng trưởng bắt nguồn từ việc tăng cường các hệ thống sản xuất, bao gồm việc sử dụng lao động, hóa chất và tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn hiệu quả và tăng thêm giá trị.

Tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp hàng hóa rời rạc, không có sự khác biệt đang là những dấu hiệu cảnh báo khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh về lao động, đất đai và các nguồn lực khác.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác, kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý.

Cùng với các diễn biến bất lợi do biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra, ngành nông nghiệp đang đứng trước thách thức lớn, bắt buộc phải thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm, theo đó sản xuất nông nghiệp phải dựa trên việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, hiện nay mức độ tác động của công nghệ thông minh đến ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta còn thấp. Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động dẫn đến chi phí vật tư quá cao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn sử dụng quá nhiều nước, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm,.. Trên thực tế có rất nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi.

Ứng dụng công nghệ xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng ở nhiều nơi. Ảnh: Quang Thắng

Ứng dụng công nghệ xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng ở nhiều nơi. Ảnh: Quang Thắng

Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi khi gặp phải những vấn đề trên đã phải bỏ ra chi phí lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.

Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, Formaline… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus...

Do đó, việc nghiên cứu tìm các biện pháp làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản được xem là nhiệm vụ rất cấp thiết. Tại Việt Nam, giống như các ngành công nghệ cho nông nghiệp khác, các công nghệ liên quan đến nuôi trồng thủy sản đang có những bước phát triển đáng kinh ngạc dẫn đến các cơ hội đầu tư đáng kể.

Phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững; ứng dụng Internet vạn vật trong sản xuất thủy sản; công nghệ cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản… đang được các nhà khoa học đưa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Ứng dụng công nghệ cao của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng rô bốt.

Trong ngành thủy sản có thể ứng dụng hệ thống canh tác kết hợp thủy sản và rau, hoa. Trước những bất cập trong việc xử lý nước nuôi trồng thủy sản như tốn nhiều chi phí, ô nhiễm môi trường,.. ông Lê Đình Cẩn, Trung tâm phát triển công nghệ và thiết bị công nghiệp Sàn Gòn (CENINTEC) đã đưa ra ba giải pháp lọc cơ học CENFILTER đối với nước đầu vào, nước trong ao nuôi, nước thải đầu ra. Phương pháp này giúp tiết kiệm diện tích, giảm chi phí sản xuất, loại bỏ chất thải rắn hiệu quả nước trong ao nuôi và nước thải đầu ra, giúp môi trường sạch hơn, ít ô nhiễm hơn.

Ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao VIFARM đã giới thiệu về hệ thống điều khiển giám sát môi trường nuôi trồng bao gồm các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ dinh dưỡng… giúp quản lý toàn bộ hoạt động ở trang trại thông qua máy tính, điện thoại và các thiết bị di động.

Đồng thời với đó, Công ty TC Check cũng đã giới thiệu hệ thống giám sát chất lượng nước online nhằm giảm những rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Giải pháp này cho phép theo dõi tự động 24/7 các chỉ số môi trường nước (pH, nhiệt độ, độ mặn, ô xy hòa tan,…) để đưa ra các cảnh báo kịp thời.

Công nghệ cảm biến này được lắp đặt ở ao nuôi tôm sử dụng các thiết bị cảm biến chất lượng nước và báo cáo liên lục về phần mềm trên các thiết bị thông minh cho người dùng. Khi có sự cố máy sẽ gọi điện thông báo cho người nuôi biết để kịp thời xử lý.

Với nuôi cá một trong những công nghệ tuyệt vời nhất là sử dụng các cảm biến để phát hiện mức độ đói của cá và cung cấp thức ăn cho phù hợp. Nó có thể làm giảm chi phí thức ăn lên đến 21%. Công nghệ Real sử dụng truyền dẫn tia cực tím để khử trùng nước gây bệnh và làm sạch các cơ sở sản xuất thủy sản.

Tất cả đều được kết nối qua Internet. Đó là một cuộc cách mạng công nghệ về máy tính và truyền thông. Những ứng dụng này được xem là đột phá và tương lai của nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Hy vọng trong thời gian không xa, những công nghệ thông minh này sẽ được ứng rộng rãi trong cả nước để mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững./.

Bảo Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/huong-di-moi-cua-nen-nong-nghiep-sach-ben-vung-39523