Hướng đi mới của hoạt động văn hóa

Dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng qua đã ảnh hưởng đến các hoạt động của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trong đó có văn hóa. Nhiều hoạt động đã tạm ngừng hoặc giảm quy mô tổ chức khiến cho đời sống văn hóa thành phố khá im ắng.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn này, nhiều đơn vị, cá nhân văn nghệ sĩ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới bằng cách đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ lên mạng xã hội, nhằm tiếp tục mang đến những sự kiện ý nghĩa, những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ khán giả. Thay vì phải đến các nhà hát, không gian tập trung đông người như trước đây, khán giả chỉ cần dùng điện thoại thông minh thông qua vài động tác là có thể thưởng thức trọn vẹn một chương trình, một sản phẩm nghệ thuật mà vẫn bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chính sự đổi mới này đã phần nào mang lại chút hơi ấm cho hoạt động văn hóa văn nghệ của thành phố trong mùa dịch bệnh. Cách đây chưa lâu, Sở Du lịch thành phố đã phát động tuần lễ Bánh mì Sài Gòn nhằm tôn vinh, quảng bá món ăn đường phố đặc sắc của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đến cộng đồng quốc tế. Ðơn vị tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động như chương trình khuyến mãi, hình ảnh, câu chuyện về bánh mì Sài Gòn,… trên trang youtube, facebook.

Ðặc biệt, ca khúc "Tôi yêu bánh mì Sài Gòn" do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đặt hàng riêng cho sự kiện này đã tạo nên "cơn sốt" trên cộng đồng mạng. Bên cạnh hình ảnh một thành phố vừa năng động vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt là món ăn "quốc dân" bánh mì Sài Gòn thơm, ngon, được bạn bè quốc tế yêu thích. Sự kiện này khởi đầu cho chiến lược dài hơi quảng bá ẩm thực Sài Gòn do Sở Du lịch phối hợp các đơn vị tổ chức, trong đó việc đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh trên mạng xã hội sẽ là một trong những hình thức truyền thông chính của sự kiện này. Không chỉ thế, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi cũng tận dụng thời gian giãn cách xã hội để giới thiệu hình ảnh của mình bằng những sản phẩm nghệ thuật trên trang cá nhân. Khán giả đã quen dần và ngày càng ủng hộ những ca khúc mang chủ đề phòng, chống dịch Covid-19, cùng với đó là những hành động đẹp ủng hộ ngành y tế hay người dân nghèo bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Ngoài ra, trong mùa dịch bệnh, những bộ phim chiếu trên mạng đã thật sự "lên ngôi" khi nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ liên tục đưa ra những sản phẩm "web drama" (phim chiếu mạng) nhằm phục vụ khán giả.

Ðây là xu hướng tất yếu và là mảnh đất rộng lớn, đa dạng để giới làm văn hóa nghệ thuật khai thác. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ đó, đòi hỏi công tác quản lý các sản phẩm trình chiếu online phải được thực hiện chặt chẽ hơn nhằm tránh "vàng thau lẫn lộn", "rác" nhiều hơn tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, những đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cũng cần năng động hơn, có kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa trên mạng xã hội để khán giả, người dân dù phải thường xuyên ở nhà phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn theo dõi, hưởng ứng kịp thời những sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố, góp phần mang lại không khí sôi động, bổ ích của một năm "đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đôi thị" mà thành phố đang thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44162302-huong-di-moi-cua-hoat-dong-van-hoa.html