Hướng đi hiệu quả của ngành chăn nuôi Hà Nội

Những năm qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức quy hoạch, xây dựng nhiều chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi đối với người sản xuất và người tiêu dùng (NTD), góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 50% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp Thủ đô.

Một điểm bán và giới thiệu sản phẩm chuỗi Gà đồi Ba Vì tại Hà Nội.

Một điểm bán và giới thiệu sản phẩm chuỗi Gà đồi Ba Vì tại Hà Nội.

Niềm vui và nỗi lo

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi, Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 triển khai từ cuối năm 2015 đến nay đã xây dựng và phát triển ổn định được một số mô hình tiêu biểu như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học Quốc Oai, thực phẩm A-Z, thực phẩm 3F, thực phẩm Tiên Viên, thịt bò Hà Nội, sữa Ba Vì… Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi cơ bản được hoàn thiện (Giấy ATTP đối với cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến đóng gói; Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP cho các sản phẩm của các chuỗi…) và bộ nhận diện thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ; mỗi ngày cung cấp cho thị trường 8,14 tấn thịt lợn, 4,22 tấn thịt gia cầm, 1,5 tấn thịt bò, 72 nghìn quả trứng gà và 90 tấn sữa tươi.

Quá trình thực hiện cho thấy, phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi tại Hà Nội đã phần nào khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định về "đầu ra", chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để NTD yên tâm sử dụng, bảo đảm ATTP. Ðồng thời, gắn với quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự ổn định, bền vững.

Bên cạnh những mặt làm được, dự án cũng gặp không ít khó khăn. Trong hai năm 2016-2017, tình hình chăn nuôi lợn và gia cầm liên tục "tuột dốc". Có những thời điểm giá lợn hơi giảm thấp hơn giá thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển và mở rộng các mô hình chuỗi chăn nuôi. Một số chính sách khuyến khích được duyệt hỗ trợ ban đầu vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp (DN) đầu tư, cho nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra nhiều giá trị cho sản phẩm chăn nuôi. Việc kết nối tác nhân thực hiện khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm khó khăn do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến. Do thói quen của phần lớn NTD, cho nên việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích chuyên bán và giới thiệu sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông còn hạn chế…

Cần tiếp tục tháo gỡ

Ðánh giá về Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm ATTP của Hà Nội, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân cho rằng, trong thời gian rất ngắn, với sự nỗ lực quyết liệt, chuỗi chăn nuôi bảo đảm ATTP của Hà Nội đã đạt kết quả ngoài mong đợi của Ban chỉ đạo trung ương. Hà Nội có nhiều thành công trong phát triển chăn nuôi. Với thị trường tiêu thụ lớn, thành phố có thể mở rộng sản xuất, trong đó tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch từng bước đáp ứng nhu cầu của NTD.

Tuy nhiên, trước những thách thức trong tiến trình hội nhập và yêu cầu ngày càng cao của NTD, theo ông Hoàng Thanh Vân, thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuyên truyền cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn. Ðặc biệt, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu điện tử về ngành nông nghiệp Hà Nội. Cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chăn nuôi, để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc; đề xuất xây dựng trách nhiệm của nhà phân phối. Ngoài ra, nếu không tiếp tục thông tin về chuỗi chăn nuôi, thì nhiều khả năng người sản xuất sẽ thất bại.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc xây dựng các thể chế và có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Có tính toán một cách tổng thể để phát triển có quy hoạch, tránh manh mún nhỏ lẻ. Các sở, ngành của thành phố cần phối hợp chặt chẽ, quản lý tốt công tác thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATTP. Khuyến khích các DN tham gia xây dựng chuỗi, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm an toàn, và bảo đảm truy xuất được nguồn gốc.

Ngành chăn nuôi Thủ đô phấn đấu đến năm 2020, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 14 tấn thịt lợn, 6,5 tấn thịt gia cầm, 105 nghìn quả trứng, 105 tấn sữa tươi, một tấn thịt bò… Để hoàn thành mục tiêu, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo ba nội dung: Giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu đi kèm với chất lượng.

NGUYỄN HUY ĐĂNG
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Bài và ảnh: ANH PHƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/36327702-huong-di-hieu-qua-cua-nganh-chan-nuoi-ha-noi.html