Hướng đi cho hàng Việt vào hệ thống bán lẻ nước ngoài

Việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài được xác định là hết sức khó khăn, nhưng nếu chúng ta vượt qua được những rào cản đó thì đây chính là cách hữu hiệu nhất để nâng cao thương hiệu của hàng Việt Nam…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga, các nhà bán lẻ ngoại không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. Cụ thể quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Hà Nội cho rằng, Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao nhất về mặt chất lượng sản phẩm, thậm chí cao hơn các quốc gia khác như Hoa Kỳ, EU... Ngoài ra, hàng loạt các luật liên quan đến bảo vệ NTD, an toàn thực phẩm tại Nhật cũng rất chặt chẽ...

Cũng theo Bộ Công thương thì Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ vốn đầu tư nước ngoài có diện tích 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart… Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của DN Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ “ngoại” còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại các thị trường nước ngoài.

Bộ Công thương đã đề nghị Aeon và Central Group trở thành đối tác chiến lược của đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Bộ Công thương đã đề nghị Aeon và Central Group trở thành đối tác chiến lược của đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Bà Mai Anh cho rằng, việc tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam đã không hề đơn giản huống hồ tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài tại nước ngoài. Aeon là tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Nhật Bản, để vào được hệ thống này, DN phải chuẩn bị hành trang về chất lượng, sản phẩm và giá thành. Vì thế, sự quyết định thành công chủ thể là DN.

Theo đại diện Cty TNHH Aeon TopValu Việt Nam thì, hiện nay thị phần xuất khẩu của một số nước như Myanmar, Campuchia sang Nhật qua hệ thống Aeon tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do nguyên vật liệu, những sản phẩm hỗ trợ cho sản xuất của Việt Nam phần lớn nhập từ các nước thứ ba như Trung Quốc. Vì vậy, cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam chủ yếu vẫn là chi phí nhân công. Đây cũng là điểm yếu của Việt Nam. Một nguyên do nữa, nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chưa đáp ứng được số lượng đơn hàng bởi sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chưa ổn định... cũng khiến lợi thế của hàng hóa Việt Nam giảm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã đề nghị Aeon và Central Group trở thành đối tác chiến lược của đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Qua đó giúp chọn lọc, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực của DN; xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng vào hệ thống phân phối của các tập đoàn này, đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa các loại có nguồn gốc từ Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống phân phối của tập đoàn. Các tập đoàn cũng có thể tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang chuỗi siêu thị tại các nước trong khối.

Về phần mình đại diện Bộ phận Chất lượng, Tập đoàn Aeon cho rằng, DN Việt phải thay đổi, thực hiện nhiều cải tiến để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của Aeon. Đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đòi hỏi các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính này cả về kỹ thuật, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đơn giá. Để đạt được các yêu cầu đó, ngoài việc nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của thị trường Nhật Bản, các DN Việt cần phải nâng cấp về dây chuyền sản xuất, quy mô nhà xưởng, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng sản xuất và sản phẩm.

Trên thực tế, hiện có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài đang hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thương hiệu riêng. Vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam tới toàn cầu, qua đó xuất khẩu hàng Việt ra thế giới. Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore). Hệ thống này hỗ trợ trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore; đồng thời, Singapore hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore.

Từ đó có thể thấy rằng các DN Việt Nam, trong thời gian tới cũng cần chủ động đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… để có thể từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-di-cho-hang-viet-vao-he-thong-ban-le-nuoc-ngoai-148046.html