Hướng đến tái cơ cấu hiệu quả

Cơ cấu lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm hiệu quả trên địa bàn, Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016-2020 giảm 80% điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, từng bước xây dựng nền công nghiệp chế biến, hướng tới cung cấp nguồn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… Tuy thời điểm sắp hết song rất khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội về nội dung này.

Dây chuyền chế biến thịt gà bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại Nhà máy chế biến gia cầm C.P Hà Nội (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Khu công nghiệp Phú Nghĩa). Ảnh: Nhật Nam

- Ông có thể cho biết kết quả triển khai tái cơ cấu hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội?

- Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm nhằm tái cơ cấu hệ thống này, trong Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội có nội dung hỗ trợ chi phí giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp. Thực hiện nghị quyết, đến nay thành phố đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”...

Nhờ đó, số lượng cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố đã giảm dần, nếu như năm 2019 toàn thành phố có 749 cơ sở giết mổ thì đến năm nay còn 738 cơ sở, chủ yếu giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Việc từng bước xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã giúp các cơ quan chức năng đẩy mạnh được việc kiểm soát sản phẩm gia súc, gia cầm. Nếu như năm 2016, lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát là 377 tấn/ngày, chiếm khoảng 43%, thì đến nay con số này đã là 520 tấn/ngày, chiếm khoảng 60% so với nhu cầu tiêu thụ thịt của thành phố.

- Theo Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 6-5-2016 về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, thành phố phải giảm được 80% số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào năm 2020. Vậy mục tiêu này có hoàn thành không thưa ông?

- Triển khai tích cực nhiều giải pháp nên số điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ của thành phố đã giảm từ 1.500 điểm, hộ năm 2016 xuống còn 673 điểm, hộ hiện nay. Tuy nhiên, mục tiêu giảm còn khoảng 300 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào cuối năm 2020 rất khó hoàn thành.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự quan tâm chỉ đạo, quản lý của chính quyền một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vi phạm quy định. Cùng với đó, tại các chợ, thịt gia súc, gia cầm đã kiểm tra, kiểm soát và không được kiểm tra, kiểm soát đều được tự do buôn bán. Chưa kể, người tiêu dùng quen sử dụng “thịt nóng” chưa qua chế biến. Việc bố trí một số địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp, khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên doanh nghiệp không muốn đầu tư.

- Vậy cần tiếp tục phải làm gì để tái cơ cấu mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao hơn?

- Để từng bước xóa bỏ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và xây dựng 29 mạng lưới giết mổ theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội, trước hết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các huyện, tổng hợp báo cáo trình UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động giết mổ tới năm 2030 đối với 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì và Thanh Oai đang hoạt động hiệu quả; hỗ trợ phát triển các cơ sở giết mổ gia súc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất với thành phố ban hành quy định chỉ những sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chuyên môn kiểm soát, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm mới được tiêu thụ trên địa bàn; có cơ chế hỗ trợ kèm chế tài bắt buộc các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm phải di dời vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch, qua đó tiếp tục giảm dần số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Việc xây dựng và hình thành các điểm giết mổ tập trung sẽ góp phần ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và hình thành nền công nghiệp chế biến của Thủ đô. Do vậy, cần có chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh quản lý thị trường; đồng thời tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các sản phẩm bảo đảm an toàn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/981887/huong-den-tai-co-cau-hieu-qua