Hướng đến quan hệ đối tác cùng có lợi

Sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, dư luận quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EP mở ra cơ hội hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn giữa EU và Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA là “tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ”. Bộ trưởng Peter Altmaier nhấn mạnh EVFTA và EVIPA bảo đảm cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam-thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định quyết định của EP là thời khắc lịch sử trong quan hệ EU-Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai bên. “EuroCham cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đối tác để bảo đảm rằng lợi ích mà EVFTA mang lại sẽ đạt được các kỳ vọng trong thực tiễn”, thông cáo của EuroCham khẳng định.

 Quang cảnh phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu diễn ra ở Strasbourg (Pháp). Ảnh: Getty Images.

Quang cảnh phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu diễn ra ở Strasbourg (Pháp). Ảnh: Getty Images.

Về phần mình, Nghị sĩ EP Daniel Caspary cho rằng EVFTA sẽ đóng vai trò quan trọng đối với mối quan hệ EU-Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Liên bang Đức (BGA) Holger Bingmann coi đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông Holger Bingmann, EVFTA sẽ góp phần vào tăng cường quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp hai bên.

Bày tỏ vui mừng với kết quả bỏ phiếu tại phiên toàn thể của EP diễn ra ở Strasbourg (Pháp), nghị sĩ EP Geert Bourgeois nhấn mạnh EVFTA chính là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới “đầy đủ nhất và tham vọng nhất” mà lần đầu tiên EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Nghị sĩ Geert Bourgeois khẳng định hiệp định này hướng đến một quan hệ đối tác cùng có lợi. Trong khi đó, trong thông cáo báo chí phát đi sau cuộc bỏ phiếu của EP, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá EVFTA là “một thắng lợi cho người tiêu dùng, người lao động, các nông dân và các doanh nghiệp” của Việt Nam và EU.

Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA cũng thu hút được sự quan tâm của các hãng truyền thông quốc tế. Kênh truyền hình ZDF của Đức cho rằng quyết định của EP đã “bật đèn xanh” cho việc thực thi EVFTA và như vậy rào cản cuối cùng đối với thỏa thuận này đã được dỡ bỏ. Đưa tin về việc EP phê chuẩn EVFTA, hãng tin AFP nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN chỉ sau Singapore. Hãng tin AP cho biết phía EU hy vọng EVFTA và EVIPA sẽ giúp tăng lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU thêm khoảng 15 tỷ euro mỗi năm đến năm 2035, và hàng hóa xuất khẩu hằng năm từ EU vào Việt Nam cũng tăng thêm khoảng 22 tỷ euro. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nhấn mạnh EVFTA-dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới-là một “cột mốc quan trọng” trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm rằng các ngành dệt may, giày dép của Việt Nam sẽ là những bên hưởng lợi chính khi hiệp định này có hiệu lực.

Nhân sự kiện EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Báo Tagesspiegel của Đức đã có bài viết mô tả sự phát triển bùng nổ về kinh tế ở Việt Nam. Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh cho điều này. Theo đó, trong giai đoạn 2002-2018, đã có 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á cũng có tiềm năng to lớn khi có tới 70% trong tổng số khoảng 96 triệu dân dưới 35 tuổi. Đây là những tiềm năng mà EU muốn khai thác.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/huong-den-quan-he-doi-tac-cung-co-loi-609958