Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững: Sản phẩm mới - sức hấp dẫn mới

So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch biển hay du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là 'đứa em út'. Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm được định danh, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, du lịch cộng đồng còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ảnh: Hoài Anh

Sức hút từ những điểm đến

Vùng miền Tây xứ Thanh có ưu thế để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng gồm: rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng... Cùng với đó, đây cũng là vùng có tiềm năng về văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc, là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, mang đến cho du khách nhiều hoạt động khám phá, trải nghiệm như: nhảy sạp, thám hiểm rừng, chèo thuyền trên sông, cắm trại dã ngoại, câu cá, bắt cua, tổ chức tiệc nướng BBQ, đốt lửa trại...

Nếu như du lịch biển chỉ thu hút khách vào mùa hè, du lịch văn hóa, tâm linh chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm, thì du lịch sinh thái cộng đồng là sản phẩm duy nhất của tỉnh thu hút khách cả 4 mùa. Đến Pù Luông vào bất cứ tháng nào trong năm (trừ thời điểm nghỉ đón khách do dịch bệnh COVID-19) du khách đều cảm nhận được sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, các khu nghỉ dưỡng tại một số bản trên địa bàn huyện Bá Thước như: bản Đôn, bản Bầm (xã Thành Lâm), bản Báng (xã Thành Sơn), bản Hiêu (xã Cổ Lũng)... luôn trong tình trạng “cháy phòng”, thậm chí cả những homestay của các hộ dân cũng trong tình trạng tương tự. Và thành công lớn nhất ở những điểm du lịch này, không chỉ là lượng khách hay doanh thu tăng qua từng năm, mà quan trọng là số khách quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè đến đây rất lớn.

Chúng tôi tình cờ gặp chuyên gia người Đức - Martin trong một chuyến công tác tại Pù Luông, ông vui vẻ cho biết: “Du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh rất đáng để du khách thưởng ngoạn, hoặc độc hành, hay cùng với bạn bè. Có thể, người thích mùa này, người thích mùa kia. Riêng tôi, tôi thích khám phá miền Tây cả 4 mùa trong năm. Mỗi một điểm đến đều mang lại cho tôi những cảm nhận khác nhau, những điều thú vị khác nhau. Và riêng với Pù Luông, ở đây, có những căn nhà sàn xinh xắn, những khu nghỉ dưỡng kiến trúc theo lối thân thiện với môi trường, thiên nhiên tươi đẹp. Mỗi khi dừng hành trình và hồi ức lại, tôi vẫn luôn nhớ như in cái hương vị đặc trưng của núi rừng miền Tây. Tôi đã đến và chắc chắn tôi sẽ quay trở lại”.

Cùng với du lịch cộng đồng Pù Luông, không ít du khách đã lựa chọn các điểm đến hấp dẫn khác như: bản Hang (Quan Hóa); bản Mạ (Thường Xuân), bản Năng Cát (Lang Chánh), bản Ngàm (Quan Sơn)... Hay những thác nước đẹp như: Thác Mây (Thạch Thành), thác Ma Hao (Lang Chánh), thác Muốn (Bá Thước)... Đến đây, du khách có thể chọn loại hình lưu trú homestay (nghỉ tại nhà dân) hoặc lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng. Và dù ở đâu du khách cũng được thưởng thức một số món ăn đặc trưng của núi rừng miền Tây như: nộm hoa chuối rừng, cơm lam, canh đắng, gà luộc, rượu cần... cùng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân bản địa, tất cả sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận tuyệt vời về điểm đến.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2016-2020, các khu, điểm du lịch cộng đồng ước đón được gần 6 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nổi bật là Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), giai đoạn 2016-2020 đón được trên 1,4 triệu lượt khách, gấp 1,88 lần giai đoạn 2011-2015; du lịch cộng đồng huyện Bá Thước, giai đoạn 2016-2020 đón được gần 200 nghìn lượt khách, gấp 4 lần giai đoạn 2011-2015...

Hiệu quả không dừng lại ở những con số

Có thể nói, đến nay du lịch cộng đồng đã bắt đầu thu hoạch được những “trái ngọt” đầu tiên. Không chỉ dừng lại ở con số về lượng khách hay doanh thu, mà thông qua hoạt động du lịch còn góp phần quan trọng trong bảo tồn văn hóa, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa - nơi còn gặp nhiều khó khăn. Cũng nhờ phát triển du lịch, hệ thống đường giao thông, điện, nước, đến các thôn, bản được quan tâm đầu tư, dịch vụ thương mại phát triển đa dạng hơn... nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch, trong đó người dân cũng được hưởng lợi trực tiếp từ những điều kiện này.

Điều đáng nói, từ coi trọng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nhiều huyện đã khẩn trương xây dựng Đề án phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, khai thác các giá trị tiềm năng phục vụ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng như: Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cộng đồng dân cư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung các dịch vụ du lịch; hỗ trợ các địa phương nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch; chú trọng khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực... để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng.

Mới đây, huyện Lang Chánh đã công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát, thác Ma Hao được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2120/QĐ-UBND (ngày 9-6-2020). Khu du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa này có tổng mức đầu tư 113,407 tỷ đồng. Việc quy hoạch các phân khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nguồn “sinh thủy”, cảnh quan, môi trường, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trên cơ sở cần tận dụng triệt để ưu thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống cây xanh, mặt nước, ruộng bậc thang, đồng thời tạo được sự phù hợp và hài hòa với không gian kiến trúc của các khu vực bản làng hiện hữu, bảo tồn lối sống và kiến trúc truyền thống... Qua đó từng bước giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Kết quả nổi bật trong phát triển du lịch cộng đồng không chỉ dừng lại ở lượng khách đến Thanh Hóa ngày càng đông; doanh thu tăng lên hằng năm mà nhận thức của các địa phương, cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững ngày càng chuyển biến tích cực. Lãnh đạo các địa phương đã chủ động gặp gỡ nhà đầu tư, tham vấn nhà đầu tư cách thức làm du lịch như thế nào để mang lại hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Về phía người dân cũng đã thay đổi rõ trong nhận thức, xác định làm du lịch để phát triển kinh tế và dần học cách làm du lịch một cách chỉn chu, bài bản.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Bài 2: Những mô hình “chết yểu”.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/huong-den-phat-trien-du-lich-sinh-thai-cong-dong-ben-vung-nbsp-san-pham-moi-suc-hap-dan-moi/134944.htm