Hướng đến phát triển bền vững

Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt các quyết định ban hành Đề án đầu tư xây dựng các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm 2021 để năm 2022 trở thành quận.

Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, các huyện đã chủ động triển khai rà soát công tác quy hoạch. Từ những bất cập phát sinh trong quá trình triển khai, 5 huyện nói trên vừa tiếp tục triển khai công tác quy hoạch mới nhằm khép kín địa bàn, vừa điều chỉnh, cập nhật những quy hoạch đã có theo hướng đáp ứng các tiêu chí đô thị.

Thực tế cho thấy, tại các huyện đang trên lộ trình phát triển thành quận, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị đang được đầu tư theo quy hoạch để bảo đảm các tiêu chí đô thị. Cùng với đó, các quy hoạch chi tiết đang được nghiên cứu hoặc nếu đã được phê duyệt cũng sẽ cập nhật các tiêu chí đô thị, như trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại... với định hướng chung là nâng cao các tiêu chí.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn các huyện cập nhật quy hoạch, trong đó lưu ý việc không phát triển nhà ở riêng lẻ, dừng triển khai quy hoạch chung với huyện có tỷ lệ đất đô thị dưới 70% đất tự nhiên (các huyện Gia Lâm, Đan Phượng) để nghiên cứu quy hoạch vùng huyện, hình thành các khu chức năng đô thị đồng bộ có diện tích 500ha trở lên. Hay như tại huyện Gia Lâm, việc triển khai quy hoạch chung đang tạm dừng để chờ điều chỉnh quy hoạch các phân khu đô thị N9, N10, N11.

Để 5 huyện nêu trên trở thành quận theo đúng lộ trình đặt ra, các chính quyền địa phương phải tuân thủ, thực hiện công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng; đồng thời tiếp tục cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với các quy hoạch quan trọng, các huyện cần lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm các yêu cầu đặt ra, có tầm nhìn, bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành quận, tạo tiền đề thuận lợi cho địa phương đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn. Song song đó, cần công khai quy hoạch để người dân sinh sống trên địa bàn được biết và tham gia giám sát việc thực hiện, qua đó hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh.

Từ các quy hoạch, các huyện cần đề ra lộ trình triển khai cụ thể, bảo đảm tính khả thi. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến quy hoạch cơ sở hạ tầng cần được đặc biệt chú trọng. Cụ thể là các tiêu chí về hạ tầng khung, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị, xử lý nước thải, chiếu sáng, cây xanh, khu vui chơi giải trí công cộng - những tiêu chí mà hiện nay một số huyện được dự báo sẽ rất khó đạt.

Việc thực hiện quy hoạch cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, 5 huyện cần linh hoạt các giải pháp thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc tham khảo kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị của các huyện mới trở thành quận trên chính địa bàn thành phố hay việc rút kinh nghiệm từ các phần quy hoạch chưa bảo đảm tầm nhìn, thiếu khả thi của chính các huyện này trong thời gian trước đây (nay buộc phải điều chỉnh) cũng là một nhân tố quan trọng. Đồng thời, “lên quận” không có nghĩa là phủ nhận những “giá trị huyện” mà cần sự kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện hữu.

Đó là những nội dung quan trọng cần giải quyết tốt, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của 5 địa phương nói trên, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Văn Ngọc Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/972447/huong-den-phat-trien-ben-vung