Hướng đến Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính toàn quốc: Lâm Bình đưa hát Then, đàn tính trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn (Bài 3)

Huyện Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang có 5 Câu lạc bộ hát Then, đàn tính cấp xã và có 1 câu lạc bộ cấp huyện. Các câu lạc bộ thường xuyên duy trì tổ chức sinh hoạt, ngoài ra có 4 đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch. Hiện du lịch cộng đồng đang được Lâm Bình phát huy và cho kết quả tích cực, các làn điệu văn hóa dân ca nói chung và di sản văn hóa hát Then, đàn tính của đồng bào Tày nói riêng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn qua đó nâng cao thu nhập cho người dân Lâm Bình.

Hình thức du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình đang có nhiều khởi sắc

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, những năm qua huyện Lầm Bình luôn chú trọng việc chăm lo phát triển văn hóa, củng cố nền tảng tinh thần của đồng bào các dân tộc, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Then, đàn tính của dân tộc Tày luôn được quan tâm đầu tư nhằm xây dựng di sản văn hóa này của người Tày trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Với dân số trên 6 vạn người gồm các dân tộc Tày, Dao, Kinh, Mông... sống trên địa bàn 8 xã tại huyện vùng cao Lâm Bình. Cùng với đồng bào Dao thì người tay là cư dân chủ yếu và cư trú ở đây từ rất lâu đời. Tại huyện Lâm Bình có số lượng người Tày tương đối đông, đặc biệt là xã Thượng Lâm. Người Tày ở xã Thượng Lâm là cư dân bản địa, chiếm 75% dân số toàn xã. Dân tộc Tày xã Thượng Lâm mang những nét đặc trưng chung của dân tộc Tày ở Tuyên Quang nói riêng cũng như dân tộc Tày ở Việt Nam nói chung. Tiếng Then, đàn tính luôn là món ăn tinh thần hấp dẫn trong cuộc sống, đặc biệt là những dịp hội hè, lễ Tết của đồng bảo Tày ở đây.

Đặc biệt năm 2012, nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào và là động lực để cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và dân tộc Tày ở Lâm Bình nói riêng cố gắng hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy các làn điệu hát Then.

Mặc dù là huyện “3 nhất” (trẻ nhất, xa nhất và khó khăn nhất) của Tuyên Quang, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua Lâm Bình đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội. Kế hoạch số 71/2016 của UBND huyện Lâm Bình về “Bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống,di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020” nhằm bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện đã được thể hiện bằng hành động thực tiễn. Trong đó việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ Câu lạc bộ hát các làn điệu truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn,… tại nhà sàn văn hóa huyện và các xã, điểm du lịch cộng đồng đã cho kết quả rất tích cực. Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng Phòng VHTT tin huyện, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng CLB Then - Thơ - Ca trên toàn địa bàn. Lâm Bình hiện có 5 Câu lạc bộ hát Then, đàn tính cấp xã, 1 câu lạc bộ cấp huyện,… các câu lạc bộ thường xuyên duy trì tổ chức sinh hoạt, ngoài ra có 4 đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch”.

Nghệ nhân Hà Thuấn hướng dẫn các học viên tại huyện Lâm Bình tham gia lớp tập huấn về hát Then, đàn Tính.

Ngoài ra, để giúp người Tày ở Lâm Bình gìn giữ làn điệu hát Then, đàn tính truyền thống của dân tộc mình, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện đã tổ chức mở hai lớp học hát Then, đàn tính miễn phí tại điểm du lịch Homestay Nà Đông, xã Thượng Lâm và điểm Homestay thôn Năm Đíp xã Lăng Can. Lớp học do nghệ nhân Hà Thuấn (huyện Chiêm Hóa) trực tiếp hướng dẫn. Các lớp học đã thu hút trên 200 học viên đến từ các thôn của các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can tham gia. Học viên được tìm hiểu và nâng cao lý thuyết âm nhạc; nâng cao trình độ sử dụng đàn Tính và hát các làn điệu then; có thể dàn dựng chương trình hát múa có tính nghệ thuật cao...

Song song với đó, để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Tày không bị mai một, huyện còn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm giúp đồng bào dân tộc Tày nói riêng và đồng bào thiểu số khác nói chung hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tại Lễ hội Lồng Tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình... huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, trong đó có các điểm hát Then được tổ chức tại lễ hội, đã giới thiệu và thu hút được đông du khách thập phương.

Anh Vũ Văn Hùng chủ một công ty du lịch đến từ thành phố Hà Nội tỏ ra rất ấn tượng với công tác bảo tồn và phát huy các làn điệu then của đồng bào dân tộc Tày trong huyện. Ông Hùng cho rằng việc phát huy các làn điệu của đồng bào dân tộc sẽ giúp Lâm Bình khai thác tốt thế mạnh du lịch cộng đồng.

Du khách hào hứng với cây đàn tính

Làn điệu Then và cây đàn tính là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Ðể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này tại địa bàn huyện, Lâm Bình cần có đề án tổng thể, bảo tổn, phát huy gắn với việc đem sinh kế cho đồng bào. Qua đó, giá trị của nét sinh hoạt văn hóa độc đáo này sẽ được gìn giữ, phát huy, phát triển và sáng tạo để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Hiện du lịch cộng đồng đang được huyện Lâm Bình phát huy và cho kết quả tích cực, các làn điệu văn hóa dân ca nói chung và di sản văn hóa hát Then, đàn tính của đồng bào Tày nói riêng sẻ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn qua đó nâng cao thu nhập cho người dân Lâm Bình.

(Còn nữa)

Hưởng ứng Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính toàn quốc lần thứ VI năm 2018, Vanhien.vn trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về nghệ thuật hát Then, đàn tính, các nghệ nhân, cá nhân, câu lạc bộ tiêu biểu của nghệ thuật dân gian Hát Then, Đàn Tính. Cùng với đó là các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Then, đàn Tính tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Qua đó, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản, thúc đẩy phát triển du lịch từ loại hình nghệ thuật dân gian Hát Then, Đàn Tính của các địa phương tại Việt Nam.

Bài 1: Cây đàn Tính – Bảo vật của người Tày

Bài 2: Na Hang bảo tồn và lan tỏa điệu Then, đàn Tính

Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính toàn quốc lần thứ VI năm 2018 tại Hà Giang hội tụ sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên đến từ 16 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Tày – Nùng - Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh.

Lê Hoàn |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/huong-den-lien-hoan-nghe-thuat-hat-then-dan-tinh-toan-quoc-lam-binh-dua-hat-then-dan-tinh-tro-thanh-san-pham-du-lich-hap-dan-61022