Hướng đến khu vực hội nhập và thịnh vượng

Trong những năm qua, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã đạt những bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực. Qua đó, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực, góp phần khơi dậy, thúc đẩy phát triển tiềm năng kinh tế các vùng trong khu vực.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, vào ngày 29 – 31/3 tới đây, Hội nghị thượng đỉnh hợp tác GMS lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đánh dấu sự thành công trong chương trình hợp tác phát triển của GMS.

Được biết, Hợp tác kinh tế GMS được khởi xướng năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước CLV, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ ADB và các nhà tài trợ khác, Việt Nam luôn tích cực tham gia các Chương trình hợp tác kinh tế GMS và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Một trong những dự án đánh dấu sự thành công đó chính là dự án đường cao tốc Hà Nội -Lào Cai, được khởi công vào năm 2009 với chiều dài 264km.

Đây được coi là con đường chiến lược, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam Hà Nội - Lào Cai, chính thức được đưa vào hoạt động tháng 9/2014, đã trở thành một phần quan trọng trong dự án Phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam.

Đặc biệt, dự án cho thấy có tác động lớn tới hiệu quả kinh tế Việt Nam; rút ngắn thời gian đi lại từ 7 tiếng xuống còn chỉ 3 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Lào Cai. Số liệu thống kê của Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho thấy, chỉ tính năm 2017, tổng lưu lượng xe qua lại trên đường cao tốc đến tỉnh Lào Cai trung bình đạt 9.674 lượt xe/ngày.

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được đưa vào hoạt động không chỉ phát triển du lịch các địa phương khu vực Tây Bắc, rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy thương mại, dịch vụ vận chuyển hàng hóa...Đặc biệt, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các đối tác, thị trường trong nước cũng như nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động giao thương tại cửa khẩu Lào Cai.

Số lượng thống kê cho thấy, trong năm 2017, số phương tiện Việt Nam xuất cảnh lên đến 72.107 lượt so 25.686 lượt vào năm 2015 cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ từ dự án này.

Không chỉ vậy, với sự hỗ trợ tích cực từ ADB, hai hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng khác là: Hành lang kinh tế phía Nam, kết nối các thành phố và thị xã lớn ở khu vực phía Nam của tiểu vùng; Hành lang kinh tế Đông -Tây, trải dài 1.320km từ Cảng Đà Nẵng ở bờ biển phía Đông của Việt Nam tới tận bờ Ấn Độ Dương của Myanmar, đã giúp kết nối Việt Nam với các quốc gia láng giềng trong khu vực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch…

Được biết, kể từ sau khi GMS chính thức được thành lập, để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và hài hòa, các nhà lãnh đạo của GMS đã thông qua khuôn khổ chiến lược 10 năm tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 4 vào năm 2011. Đây được xem là cơ sở định hướng cho hợp tác GMS từ năm 2012 đến năm 2022.

Khuôn khổ chiến lược này dựa trên cam kết và các kế hoạch phát triển quốc gia của các thành viên nhằm đẩy mạnh hội nhập, hợp tác khu vực trong và ngoài GMS. Bên cạnh đó, chương trình hợp tác GMS cũng tập trung vào các lĩnh vực giao thông nhằm xây dựng các hành lang giao thông, ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, điểm đến du lịch, thị trường, trung tâm hoạt động kinh tế...

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, tiểu vùng đặt mục tiêu trở thành vùng được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực; với năng lượng, thiết lập một thị trường điện năng khu vực, cạnh tranh và hội nhập, qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú, cải thiện an ninh năng lượng, cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại trong khả năng chi trả của người dân…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-den-khu-vuc-hoi-nhap-va-thinh-vuong-70681.html