Hướng đến khu đô thị du lịch biển

Cần Giờ vừa kỷ niệm 40 năm sáp nhập về thành phố. Trong suốt 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện bằng nghị lực và tình yêu quê hương đã làm nên không ít điều kỳ diệu cho vùng đất ven biển này.

Trong các buổi gặp gỡ, hội thảo về 40 năm Cần Giờ sáp nhập thành phố, đồng chí Võ Văn Cương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giờ luôn nhắc tới thời gian đầu đi xây dựng Cần Giờ. Nhớ về những kỷ niệm không bao giờ quên đó, đồng chí cho biết: Cần Giờ sau những ngày giải phóng, khi mới sáp nhập vào thành phố khó khăn lắm. Sự tàn phá của chiến tranh khiến vùng đất này trở nên hoang tàn, diện tích rừng ngập mặn bị hủy hoại. Nhiều vụ mùa thất bại đã khiến một số bà con đi về miền Tây Nam Bộ để kiếm sống. Trước thực tế đó, lãnh đạo huyện xác định ngư nghiệp cần trở thành một trong những ngành mũi nhọn để vực dậy kinh tế vùng đất này. Hình ảnh con tôm xuất khẩu được xem như bước khởi đầu mới trong phát triển kinh tế của người dân Cần Giờ. Tổng sản lượng hải sản tăng từ 8.000 tấn năm 1975 lên 15.000 tấn năm 1990. Trong ngư nghiệp đã xuất hiện và phát triển nghề cào khơi với mô hình khai thác xa bờ, đánh bắt dài ngày có hiệu quả.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Đảng bộ, chính quyền và người dân Cần Giờ bắt tay trồng lại rừng. Đây được xem là một chủ trương táo bạo có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử. Ngày 25-8-1978, huyện tổ chức ra quân trồng rừng, huy động 19.475 ngày công lao động. Và sau hơn một tháng, người dân Cần Giờ đã trồng được 3.161 ha, mở đầu cho việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giờ kể lại, lúc bấy giờ, mỗi ngày từng cán bộ, người dân của huyện đều mang cơm, nước, cùng với trái đước trên tay xuống ghe để đến địa điểm trồng rừng. Công việc trồng rừng giống như làm một con đường, tất cả mọi người tham gia đã tạo nên không khí lao động vô cùng sôi nổi. Với tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo thành phố, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sau 22 năm trồng và bảo vệ, từ vùng đất trơ trụi do chiến tranh, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 38.556 ha. Việc bảo vệ, phát triển tài nguyên và hệ sinh thái rừng đã góp phần to lớn vào việc giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển được nhiều nguồn lợi thiên nhiên khác. Có thể nói việc khôi phục lại “lá phổi xanh” của thành phố giống như chuyện cổ tích đã được người dân Cần Giờ viết nên bằng quá trình lao động miệt mài, gian khổ và sáng tạo.

Và nhiều điều kỳ diệu khác trong khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đã làm cho Cần Giờ thay da đổi thịt: tuyến đường Nhà Bè - Cần Giờ được hình thành; lưới điện quốc gia phủ kín toàn bộ huyện, kể cả đảo Thạnh An; hệ thống nước sạch Nhà Bè - Cần Giờ đã được kết nối, nhất là sự khởi sắc trong phát triển du lịch, Cần Giờ được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Nhìn về tương lai, Cần Giờ có nhiều tiềm năng để xây dựng cho mình một thương hiệu về du lịch: là nơi duy nhất của thành phố có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, có các di tích lịch sử, lễ hội Nghinh Ông đặc trưng của người dân vùng biển, cùng các làng nghề truyền thống... “Cần Giờ giống như người đẹp ngủ trong rừng chưa được đánh thức, cần có định hướng, giải pháp để phát triển thành điểm du lịch lý tưởng”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa nhận định.

Những năm gần đây, số lượng du khách tham quan Cần Giờ tăng nhanh chóng, mang lại doanh thu ấn tượng. Trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch chỉ đạt khoảng 12-17%, nhưng từ năm 2016 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân 46% (khách du lịch) và 54,5% (tổng doanh thu). Theo kết quả Đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố năm 2017 do Sở Du lịch cùng Trường đại học Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh và Khoa Du lịch, Trường đại học Huế triển khai, Cần Giờ có lợi thế lớn về tài nguyên du lịch so với các quận, huyện còn lại của thành phố. Với hệ sinh thái độc đáo, Cần Giờ được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái mang tầm cỡ vùng và quốc gia. Khu di tích rừng Sác, khu du lịch Lăng Cá Ông, khu lâm viên Cần Giờ đang trở thành những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Xác định lợi thế đó, năm 2017, huyện Cần Giờ đã xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời phối hợp Sở Du lịch thành phố khảo sát tuyến du lịch đường sông, khảo sát các cơ sở lưu trú, các tuyến, điểm tham quan… nhằm đánh giá toàn diện những thuận lợi, hạn chế để có những giải pháp phù hợp trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch Cần Giờ thời gian tới. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa, Cần Giờ cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư vào du lịch, và phải biết phát huy thế mạnh của mình để phát triển nhiều mô hình, sản phẩm du lịch tăng tính trải nghiệm cho du khách. Với chính sách phát triển hợp lý, cùng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của vùng ven biển mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ tạo cho Cần Giờ một vẻ đẹp hấp dẫn, thu hút nhiều du khách, từ đó phát triển thành đô thị du lịch biển mang tầm khu vực và quốc tế trong tương lai.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38786502-huong-den-khu-do-thi-du-lich-bien.html