Hướng đến hợp tác công – tư trong đầu tư sản phẩm du lịch mới

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, địa phương xác định hợp tác công - tư là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Hướng đến phát triển sản phẩm du lịch mới

Ngày 15/3, tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch, trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị bên lề Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, địa phương xác định hợp tác công - tư là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh về du lịch trên cả nước. Ảnh: Trung Nhân.

Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh về du lịch trên cả nước. Ảnh: Trung Nhân.

Trong đó, hợp tác công – tư trong đầu tư phát triển loại hình, sản phẩm du lịch được Khánh Hòa quan tâm, chú trọng trong thời gian qua.

“Nội dung này, Khánh Hòa đã đưa vào các kế hoạch trung hạn, dài hạn của tỉnh thông qua việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lập quy hoạch du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch. Đặc biệt, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào phát triển du lịch...” – ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuấn, nhờ sự chủ động và các chính sách linh hoạt, hợp lý, hiệu quả nên trong những năm qua, Khánh Hòa đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu vực trọng điểm phát triển du lịch tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã thu hút 40 dự án, tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng. Hiện đã có 16 khách sạn quy mô lớn, cao cấp đưa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí với 9.525 phòng.

Ngoài ra, khu vực TP Nha Trang thu hút đầu tư đưa vào khai thác 64 khách sạn nghỉ dưỡng 4-5 sao, với 16.865 phòng và nhiều khu vui chơi giải trí cao cấp, quy mô lớn như Vinwonder Nha Trang, Hòn Tằm, các khu Tắm Bùn khoáng,…

Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thu hút 40 dự án, tổng số vốn đã đăng ký 29.341 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nhân.

“Riêng tại khu vực Vân Phong, huyện Vạn Ninh đang được triển khai đầu tư hạ tầng để thu hút phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các loại hình du lịch biệt lập ven biển kết hợp các hoạt động tham quan, du lịch trải nghiệm, khu du lịch cao cấp gắn với cảng du lịch đẳng cấp quốc tế, các khu đô thị phục vụ du lịch, dịch vụ...” – ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, để hợp tác công – tư trong phát triển du lịch thời gian qua đạt được kết quả như hôm nay, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng nhiều giải pháp chính sách về hạ tầng giao thông, điện, nước tại các khu, điểm du lịch quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi đất đai.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Duy Phạm

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến dự án đầu tư.

Theo người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm hiệu quả, phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, theo đúng chủ trương định hướng Nghị quyết 09-NQ/TW nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, địa phương.

Khánh Hòa đang tập trung phát triển hạ tầng để tạo thu hút đầu tư. Ảnh: Trung Nhân.

Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân, TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp.

“Đây là điều kiện thuận lợi để Khánh Hòa tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Thực tế cho thấy, trong thời gian quan Khánh Hòa có những cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được phát triển mạnh theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn” – ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Cần cơ chế để bứt phá

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm, với những tiền đề nêu trên cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, năm 2022, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Khánh Hòa đã thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế; đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Hoạt động du lịch phục hồi, có bước tăng trưởng mạnh trở lại.

Du lịch Khánh Hòa đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh: Trung Nhân.

Tuy nhiên, để du lịch Khánh Hòa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, cao cấp theo đúng định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra, Khánh Hòa đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại ba vùng động lực phát triển của tỉnh.

Trong đó, có đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, cao tốc Vân Phong – Nha Trang, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, giúp Khánh Hòa từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy nhanh đầu tư phát triển các dự án tại các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Địa phương phải làm tốt công tác quản lý Nhà nước và du lịch trên địa bàn của mình như là giao thông, điểm đến, an ninh trật tự… thì hợp tác hợp tác công – tư trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới phát huy được hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Khánh Hòa cần có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Cảng Du lịch Nha Trang phục vụ du lịch. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch quốc gia đã được quy hoạch bằng nguồn vốn Trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.

“Hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch ban ngày phục vụ du khách thì sản phẩm du lịch về đêm tại Khánh Hòa còn rất hạn chế và thiếu. Khánh Hòa đã xây dựng đề án kinh tế đêm nhưng chưa thể triển khai do chưa được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục đề án. Do đó, địa phương mong muốn Chính phủ xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, được quy định tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 của Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” – ông Nguyễn Tấn Tuân kiến nghị.

Năm 2012, Khánh Hòa có 511 cơ sở lưu trú, với 12.700 buồng phòng. Đến nay số lượng cơ sở lưu trú tăng lên gấp đôi với 1.169 cơ sở và hơn 55.530 buồng phòng (tăng hơn 4 lần).

Trong đó, hơn 50% là khách sạn từ 3 sao trở lên, gắn với những thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới.

Khánh Hòa cũng thu hút xây dựng các khu vui chơi giải trí tham quan, các trung tâm mua sắm cao cấp quy mô lớn, chất lượng cao. Thu hút đầu tư, đưa vào hoạt động 2 sân golf 18 lỗ của khu du lịch Vinpearl và Diamond Bay; sân golf 21 lỗ KN Cam Ranh phục vụ cho khách du lịch, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-den-hop-tac-cong-tu-trong-dau-tu-san-pham-du-lich-moi.html