Hướng đến dòng vốn FDI 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang biến đổi toàn cầu. Ðối với Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng này là một thực tế không thể phủ nhận, do vậy không thể chậm trễ nắm bắt, đưa các thành tựu về khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Đầu tư - Tài chính - Ngân hàng

Sử dụng công nghệ mới điều khiển hệ thống điện thành phố tại Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO THĂNG

Sử dụng công nghệ mới điều khiển hệ thống điện thành phố tại Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO THĂNG

Con đường ngắn hơn để đạt được mục tiêu đó là thông qua thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4.0 ngay từ năm 2019 - năm mở đầu của định hướng cải cách, đổi mới và phát triển kinh tế trên nền tảng 4.0.

Ðộng lực mới của tăng trưởng

FDI 4.0 ở đây tạm xác định là nguồn vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao của cuộc CMCN 4.0 được thu hút đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi cá nhân, DN, tổ chức trong xã hội. Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, khi cuộc cách mạng 4.0 đang làm biến đổi đời sống toàn cầu và những biến đổi này bước đầu hiện hữu tại Việt Nam, vấn đề mới đặt ra là, FDI 4.0 có trở thành định hướng chính trong thu hút FDI giai đoạn tới?

Quá trình hơn 30 năm thực hiện thu hút FDI đến nay, tuy bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều thăng trầm nhưng Việt Nam luôn đánh giá được tình hình và biết tận dụng cơ hội vượt qua các khó khăn thách thức. Nhờ đó, FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có tổng cộng 27.353 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 191,4 tỷ USD, chiếm 56,2% vốn đăng ký. Với kết quả này, chỉ tính riêng về nguồn lực vốn, FDI đã chiếm tỷ trọng 23,7% tổng đầu tư toàn xã hội trong năm 2017 và đạt mức 30,8% trong năm 2018. Tuy nhiên, để có số lượng FDI nhiều hơn với chất lượng cao hơn, cần có những nỗ lực đổi mới, sáng tạo ngay trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Chúng ta không thể quên được số vốn FDI gần 150 tỷ USD đã đăng ký đầu tư nhưng chưa thực hiện. Cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ các DN FDI giải ngân số vốn này trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, thách thức của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết nhưng sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, liệu Việt Nam có tìm ra cơ hội trong thách thức đó và tận dụng được công nghệ 4.0 để tiếp tục phát triển?

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức (ngày 5-12-2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay trên nền tảng 4.0, những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. Cũng tại diễn đàn này, đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0 đã được xác định là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Ðây là điều kiện để Việt Nam không bị tụt hậu, nâng cao được năng lực đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN và quốc gia. Ðồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Việc tập trung thu hút FDI 4.0 chính là tạo động lực tăng trưởng mới nêu trên.

Không thu hút FDI bằng mọi giá

Ðể FDI 4.0 trở thành định hướng chính trong thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới, cần nghiên cứu, xây dựng đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các bộ chuyên ngành, UBND các địa phương, các cơ quan nghiên cứu cần làm rõ vai trò, định hướng rõ ràng về thu hút FDI 4.0 áp dụng cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn. Ngành giáo dục cần có chính sách đưa vào chương trình giảng dạy về công nghệ 4.0 tại các trường, nhất là các trường đại học trong cả nước để đào tạo nguồn lực sử dụng được công nghệ 4.0 trong tương lai. Muốn làm được việc này, trước hết cần dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới để xác định trong từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể phần đầu tư nào dành cho gọi vốn FDI, phần nào dành cho đầu tư trong nước. Trong đó, vốn FDI chiếm tỷ trọng thế nào, ở những loại dự án nào, có phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh hiện tại của các DN Việt Nam cũng như các ngành, địa phương hay không. Ðiều này hết sức cần thiết cho việc tập trung gọi vốn FDI 4.0 phù hợp với yêu cầu của Việt Nam là hướng tới dòng vốn có chất lượng, mang lại hiệu quả cao và lâu dài cho nền kinh tế. Trên cơ sở đó, cần tổ chức thực hiện một cách bài bản, có kiểm soát chặt chẽ từng dự án, nhất là các dự án có quy mô lớn để đưa được nguồn vốn FDI 4.0 này vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ ngay việc phát triển kinh tế.

Trong thu hút đầu tư, cần tránh các hoạt động hình thức, gây lãng phí và tốn kém cho xã hội. Bởi những năm gần đây, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trong cả nước. Tại phần lớn các sự kiện đó, số vốn FDI đăng ký đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD nhưng thực tế, việc giải ngân ra sao không rõ. Ðịnh hướng chính thu hút FDI 4.0 phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới là rất cần thiết. Nhưng để bảo đảm thành công và phát huy hiệu quả toàn diện nguồn vốn này, cần sớm khắc phục các tồn tại hiện nay của FDI như: thiếu liên kết với các DN trong nước; chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gây ô nhiễm môi trường…

Về tổng thể, dù định hướng chính là thu hút FDI 4.0 nhưng việc thu hút này phải tạo điều kiện để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển, không thu hút FDI bằng mọi giá. Ðồng thời phải bảo đảm được an ninh xã hội, củng cố quốc phòng, giữ gìn văn hóa Việt Nam, xây dựng nền kinh tế tự cường.

TS PHAN HỮU THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38974802-huong-den-dong-von-fdi-4-0.html