Hướng đến chất lượng và hiệu quả

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã góp phần nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ những hạn chế, cần khắc phục để thực sự tạo hiệu quả hơn nữa.

Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Hằng (trái), KP.Hòa Hội, TT.Đất Đỏ tạo việc làm cho 7 lao động.

Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Hằng (trái), KP.Hòa Hội, TT.Đất Đỏ tạo việc làm cho 7 lao động.

TẠO VIỆC LÀM, TĂNG THU NHẬP

Hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (KP Hòa Hội, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) vẫn đến cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Hằng cùng khu phố để làm việc. Cùng chị Hiếu, 6 lao động khác cũng đang làm việc tại cơ sở may gia công này. Trước đây, chị Hiếu không có việc làm, chồng đi làm mướn nên kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn. Năm 2016, sau khi được học nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, chị Hiếu đã có việc làm ổn định. “Nghề may không chỉ cho tôi thu nhập ổn định từ 4,5-5 triệu đồng/tháng mà còn khá nhàn và linh động về thời gian. Lúc bận việc nhà, tôi có thể tới trễ chút cũng được, còn buổi trưa tôi có thể tranh thủ về nhà lo cơm nước rồi chiều tới làm tiếp”, chị Hiếu cho hay.

Năm 2019, hàng trăm lao động khác trên địa bàn tỉnh cũng được học nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, bảo mẫu, kỹ thuật xây dựng, lái xe nâng, nghiệp vụ buồng-phòng, kỹ thuật chế biến món ăn… Sau khi học nghề, lao động đã được tạo việc làm, tăng thu nhập.

Song song đó, việc hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp cho LĐNT cũng mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân khắp các địa phương. Chị Lại Thị Mỳ (KP4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) cho biết, vợ chồng chị từng mướn 5 sào đất trồng rau. Sau đó, chủ lấy lại đất, diện tích trồng rau thu hẹp còn 1 sào khiến thu nhập gia đình chị giảm hẳn. Năm 2017, vợ chồng chị xin vào làm thuê cho một cơ sở trồng nấm để học nghề. Tiếp đó, tháng 6/2019, chị Mỳ được cho học nghề trồng nấm 3 tháng theo chương trình đào tạo nghề nông nghiệp dành cho LĐNT. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ quá trình làm tại cơ sở trồng nấm trước đó, chị mạnh dạn mua phôi về bắt tay vào làm. Chị Mỳ chia sẻ: “Quyết định học nghề trồng nấm đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Hiện nay, vợ chồng tôi có thu nhập trung bình 10-12 triệu đồng/tháng từ trồng rau và trồng nấm nên cuộc sống ổn định hơn”.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2019, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 1.064 LĐNT, nâng tổng số người được hỗ trợ đào tạo nghề lên hơn 24 ngàn người trong giai đoạn 2009-2019. Sau học nghề, 82% người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn trước. Kết quả này cũng góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 21 ngàn hộ đầu năm 2016, xuống còn 4.089 hộ vào cuối năm 2019 (chiếm tỷ lệ 1,46% so với tổng số hộ dân).

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẦU RA

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, so với những mục tiêu đề ra tại Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, có thể khẳng định, đề án đã được BR-VT triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT có nơi chưa đạt kết quả. Trong đó, số lượng LĐNT có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc cho biết, những năm qua, lao động học nghề phần lớn tự tạo việc làm tại gia đình nên số lượng người có thu nhập vượt trội so với nghề cũ còn thấp. Thậm chí, một số trường hợp học nghề này, nhưng lại đi làm nghề khác, gây lãng phí. Do đó, năm 2019, huyện Xuyên Mộc chỉ đào tạo những nghề thực sự cần và bảo đảm đầu ra, cải thiện thu nhập cho lao động.

Hướng đi này cho kết quả khả quan khi toàn huyện có 840 LĐNT có việc làm sau khi học nghề, đạt 100%. Với nghề phi nông nghiệp (đều học nghề phục vụ cho lĩnh vực du lịch), địa phương liên kết đào tạo với DN. Lao động học xong được nhận vào làm tại nơi mình học. Hiện tại, những nghề khác huyện ngưng đào tạo vì không thể giải quyết được việc làm cho lao động. “Năm 2020 và những năm tới, công tác đào tạo nghề sẽ tập trung theo hướng đào tạo phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao và phục vụ du lịch. Cũng trong năm 2020, do nhu cầu học nghề của lao động thay đổi so với đăng ký ban đầu nên chúng tôi không mở một số lớp đan lục bình, may công nghiệp nữa”, ông Thảo cho biết thêm.

Ông Dương Tấn Tín, Phó Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH cho rằng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg sẽ hết hạn vào năm 2020. Hiện nay, các sở, ngành và địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với thị trường. Đồng thời, các cơ quan hữu quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huong-den-chat-luong-va-hieu-qua-886120/