Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng công trình đê điều, thủy lợi

Ngày 26/3, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1200/UBND-KT về hướng dẫn trình tự thực hiện đầu tư xây dựng xử lý sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi khẩn cấp, có tính chất cấp bách.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã nhận được Tờ trình số 37/TTrLS: NN&PTNT-TC-KH&ĐT ngày 19/02/2019 của liên Sở: NN&PTNT - Tài chính - KH&ĐT về việc điều chỉnh, thay thế hướng dẫn trình tự thực hiện đầu tư xây dựng xử lý sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi khẩn cấp, có tính cấp bách trên địa bàn TP.

Sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi khẩn cấp, có tính chất cấp bách sẽ được xử lý theo trình tự mới (Hình minh họa)

Sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi khẩn cấp, có tính chất cấp bách sẽ được xử lý theo trình tự mới (Hình minh họa)

UBND TP đã quy định phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành chuyên môn, cụ thể: Sở NN&PTNT - Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP tiếp nhận thông tin, báo cáo của các tổ chức, cá nhân về sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp thi công trình; đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến sự cố, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân; xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện phương án ứng phó sự cố theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện xử lý sự cố hiệu quả ngay từ giờ đầu.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị quản lý công trình trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến sự cố; Triển khai ngay các biện pháp phi công trình để đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân; Chủ động xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện phương án ứng phó sự cố theo phương châm 4 tại chỗ, xử lý sự cố giờ đầu theo đúng hướng dẫn của Sở NN&PTNT.

Đối với kiểm tra, đề xuất, quyết định hình thức xử lý sự cố công trình, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận thông tin, báo cáo của các tổ chức, cá nhân về sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý công trình tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại mức độ sạt lở, quy mô, nguyên nhân sự cố công trình theo đúng quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 4/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp phải xây dựng công trình khẩn cấp, có tính chất cấp bách để ứng phó, khắc phục kịp thời sự cố thiên tai, Sở chịu trách nhiệm xác định, đề xuất xử lý sự cố công trình khẩn cấp, có tính cấp bách đúng quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi kiểm tra, trong thời hạn 5 ngày làm việc, tổng hợp, báo cáo, đề xuất dự thảo văn bản của UBND TP về xử lý sự cố công trình, trình UBND TP ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp và giao nhiệm vụ các sở, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật.

Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm trước pháp luật và TP về tham mưu, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại mức độ sạt lở, quy mô, nguyên nhân sự cố công trình và đề xuất hình thức, quy mô xử lý sự cố công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Sở NN&PTNT. Văn phòng UBND TP rà soát, tham mưu trình UBND TP ký, ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp theo quy định.

Văn bản này thay thế văn bản số 4160/UBND-KT ngày 25/8/2017 của UBND TP về việc hướng dẫn trình tự thực hiện đầu tư xây dựng xử lý sự cố hư hỏng công trình đê điều, thủy lợi khẩn cấp, có tính cấp bách. Các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày ban hành văn bản này, thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư đã được duyệt và hướng dẫn tại văn bản số 4160/UBND-KT ngày 25/8/2017 của UBND TP.

Mai Vân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huong-dan-trinh-tu-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-de-dieu-thuy-loi-339434.html