Hướng dẫn rõ việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 95/2013 và Nghị định 88/2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95) quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4, trong đó có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tăng mức phạt rất cao so với những quy định cũ.

Đáng chú ý là nghị định này có những quy định rất mới về xử lý hành vi của doanh nghiệp, người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 21: “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám”.

Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 cũng có những điều khoản quy định cụ thể về việc người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động.

Đối với người lao động gián tiếp (làm việc ở văn phòng) một năm khám sức khỏe ít nhất một lần; còn đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm ít nhất 6 tháng phải tổ chức khám sức khỏe một lần.

Thực tế cho thấy, dù luật pháp đã có những quy định cụ thể, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Lý do chính là, họ không muốn tốn kém các khoản chi phí khi phải bỏ tiền ra để tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Bản thân người lao động, nhất là công nhân, người làm các công việc mang tính chất đặc thù, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, rất cần được khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm kịp thời phát hiện ra bệnh tật hoặc bệnh nghề nghiệp để có thể nhanh chóng chữa trị. Lợi ích của việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ đã thấy rõ.

Do vậy, có thể nói, rất ít khi bản thân người lao động lại từ chối hoặc từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình khi được đi khám sức khỏe định kỳ, trừ khi doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động không tổ chức hoặc trừ những lý do bất khả kháng. Do đó, khi doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nêu lý do “người lao động không muốn khám” cần phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể, chứ không thể nói chung chung.

Trong thực tế, khi áp dụng những quy định này vào cuộc sống, cũng như khi luật có hiệu lực thi hành, có thể cơ quan, doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở pháp luật để lấy lý do không tổ chức khám, hoặc tổ chức khám sức khỏe không đầy đủ cho người lao động; sau đó báo cáo là do người lao động không mong muốn khám sức khỏe định kỳ.

NGUYỄN ĐƯỚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/huong-dan-ro-viec-kham-suc-khoe-dinh-ky-cho-nguoi-lao-dong-650473.html