Hướng dẫn phát hiện vi phạm và kháng nghị vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản

Mới đây, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn các VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Mới đây, VKSND tối cao (Vụ 10) đã ban hành Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC (Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC) hướng dẫn các VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Cụ thể về đối tượng kháng nghị

Về đối tượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án hành chính: Đối tượng kháng nghị gồm Bản án sơ thẩm; Quyết định tạm đình chỉ; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Đối với vụ việc kinh doanh thương mại, lao động: Đối tượng kháng nghị gồm Bản án sơ thẩm; Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, lao động; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Đối với thủ tục phá sản: Đối tượng kháng nghị gồm các quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Đối với xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, sau đây viết tắt là Pháp lệnh 09): Đối tượng kháng nghị gồm Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Về đối tượng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Chỉ áp dụng đối với vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại và lao động), đối tượng kháng nghị gồm: Bản án; Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm

Đối với án hành chính, liên quan đến việc phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC nêu rõ: Thứ nhất, về nội dung Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, để kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án, Kiểm sát viên cần yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ vụ án tạm đình chỉ và đối chiếu với các căn cứ như sau: Khi xem xét về tố tụng: Đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật tố tụng hành chính để xác định căn cứ Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng; đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt đương sự; cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc kết quả giải quyết vụ, việc khác có liên quan; cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án; cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó. Đồng thời xem xét về quyền kháng cáo, ủy quyền kháng cáo. Bên cạnh đó, khi xem xét về nội dung cần nghiên cứu kỹ các nội dung trong phần “xét thấy” của Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cần đối chiếu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ với quy định của pháp luật để Tòa án làm căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ. Trường hợp phát hiện Quyết định tạm đình giải quyết vụ án của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc không có căn cứ thì Viện kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.

Thứ hai, đối với việc kiểm sát Quyết định đình chỉ, Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC thể hiện: Để kiểm sát Quyết định đình chỉ của Tòa án, Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ vụ án đình chỉ giải quyết và đối chiếu với các căn cứ như sau: Khi xem xét về tố tụng cần đối chiếu với các quy định tại Khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính. Cụ thể, người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng; người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút; người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập; người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ; người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu; thời hiệu khởi kiện đã hết; các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã thụ lý. Đồng thời, xem xét về quyền kháng cáo, ủy quyền kháng cáo.

Khi xem xét về nội dung, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ nội dung phần “xét thấy” của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ với quy định của pháp luật để Tòa án làm căn cứ ban hành Quyết định đình chỉ; xem xét hậu quả của Quyết định đình chỉ về quyền khởi kiện và xử lý tiền tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án theo quy định tại Điều 144 Luật tố tụng hành chính. Trường hợp phát hiện Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc không có căn cứ thì Viện kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.

Thứ ba, đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm, khi xem xét về tố tụng, Kiểm sát viên cần xem xét thời hiệu khởi kiện, nội dung khởi kiện, khởi kiện bổ sung, đối tượng khởi kiện, phạm vi khởi kiện, quyền khởi kiện của các đương sự và xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự. Xác định đối tượng bị khởi kiện để xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án. Đối với việc thụ lý, giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cần phải xem đương sự có thực hiện đúng thời điểm, trình tự, thủ tục, nội dung yêu cầu độc lập; xem xét những người tiến hành tố tụng, thành phần Hội đồng xét xử, tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, phiên họp. Xem xét việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các đương sự theo yêu cầu của Tòa án về trình tự, thủ tục và thời hạn, lý do cung cấp không đúng thời hạn. Việc Tòa án sử dụng tài liệu, chứng cứ mà đương sự cung cấp không đúng thời hạn (làm căn cứ) để ban hành bản án, quyết định. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án không đầy đủ, Viện kiểm sát đã yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa nhưng Tòa án không chấp nhận, vẫn tiến hành xét xử. Bên cạnh đó, khi xem xét về nội dung cần xem xét việc đánh giá chứng cứ của Tòa án; xem xét việc Tòa án áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định về án phí, giá ngạch trong trường hợp có yêu cầu về dân sự có gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Các trường hợp được miễn án phí theo quy định; xem xét, đối chiếu biên bản phiên tòa với phần nội dung bản án, quyết định để phát hiện sự mâu thuẫn giữa nội dung bản án và biên bản phiên tòa; nghiên cứu, xem xét, đối chiếu phần nhận định và phần quyết định của bản án để phát hiện mâu thuẫn trong bản án. Khi xem xét phần quyết định của bản án phải xem các tài liệu, chứng cứ Tòa án dùng làm căn cứ để Tòa án quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện hoặc chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện; việc áp dụng quy định của pháp luật về nội dung và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan. Đồng thời, trong quá trình kiểm sát, từ kết quả nghiên cứu, xem xét, đối chiếu với các quy định của pháp luật về tố tụng và nội dung như trên, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba hoặc của Nhà nước thì Viện kiểm sát quyết định kháng nghị phúc thẩm.

Phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Đối với Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án, khi xem xét về tố tụng Kiểm sát viên cần xem xét về thời hạn, trình tự, thủ tục ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 140 Luật tố tụng hành chính. Khi xem xét về nội dung cần xem xét kỹ nội dung các chứng cứ, tài liệu mà các bên đương sự gửi cho Tòa án như: Quyết định hành chính mới thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu kiện, việc rút đơn khởi kiện kèm theo cam kết tại phiếu đối thoại. Nghiên cứu, xem xét nội dung của Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án mà các đương sự đã thống nhất và cam kết có bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Nghiên cứu, xem xét các tài liệu để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành gồm: Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; nội dung biên bản đối thoại theo quy định tại Điều 139 Luật tố tụng hành chính. Từ kết quả nghiên cứu, xem xét, đối chiếu với quy định của pháp luật về tố tụng và nội dung như trên, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, của nhà nước thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đối với vụ án đã xét xử và có hiệu lực pháp luật, khi xem xét đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị cần xem xét đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự. Xem xét về thời hạn gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự theo quy định tại khoản 1, Điều 256 Luật tố tụng hành chính. Xem xét thông báo, kiến nghị phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 256 Luật tố tụng hành chính. Khi xem xét hồ sơ vụ án, về tố tụng, cần nghiên cứu đơn khởi kiện của đương sự để xác định yêu cầu khởi kiện của đương sự và xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự; xác định quyền khởi kiện của đương sự, thời hiệu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện; xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án: Xác định đối tượng bị khởi kiện để đối chiếu với các quy định về thẩm quyền của Tòa án tại các Điều 30, 31, 32, 33 của Luật tố tụng hành chính để xem xét về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án; xem xét tư cách người tiến hành tố tụng, thành phần Hội đồng xét xử, tư cách người tham gia tố tụng khác. Bên cạnh đó, khi xem xét về nội dung cần lưu ý xem xét các tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có). Xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đối chiếu các tài liệu, chứng cứ với kết luận trong bản án, quyết định để phát hiện mâu thuẫn giữa kết luận với tình tiết khách quan của vụ án; xem xét biên bản phiên tòa, đối chiếu với bản án có hiệu lực pháp luật và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để phát hiện mâu thuẫn giữa nội dung bản án và biên bản phiên tòa, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Xem xét việc áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử khi ban hành bản án, quyết định. Hậu quả của việc ban hành bản án quyết định gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người thứ ba và của Nhà nước. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu, xem xét nêu trên, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.

Xem toàn bộ Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC tại đây: huong-dan-so-29-vkstc-converted.pdf

P.V

Ngoài việc đề cập đến nội dung, phương pháp phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị đối với án hành chính, Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC còn đề cập đến những nội dung, phương pháp phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị đối với án kinh doanh - thương mại, lao động; đối với thủ tục phá sản; đối với việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/huong-dan-phat-hien-vi-pham-va-khang-nghi-vu-an-hanh-chinh-vu-viec-kinh-doanh-thuong-mai-lao-dong-pha-san-61287.html