Hướng dẫn mẹ cho trẻ sơ sinh bú đúng tư thế

Chỉ cần thực hiện đúng cách cho trẻ sơ sinh bú thì sữa mẹ sẽ về nhiều cũng như em bé có thể bú thoải mái mà không bị gò bó hay khó chịu.

Nội dung:

1. Dấu hiệu trẻ đòi bú sữa
2. Nhu cầu bú mỗi ngày của trẻ sơ sinh
3. Cách cho trẻ sơ sinh bú đúng
4. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bú đúng cách
5. Dấu hiệu bé đã bú đủ
6. Một số lưu ý về việc cho trẻ bú

Mọi người đều nghĩ rằng, việc cho con bú là bản năng của người mẹ và hết sức đơn giản. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện đúng cách cho trẻ sơ sinh bú nhằm giúp trẻ thoải mái hơn, không bị sặc,... thì không phải ai cũng biết rõ.

1. Dấu hiệu trẻ đòi bú sữa

Tất cả em bé sơ sinh đều có bản năng tự tìm vú mẹ để bú sữa. Những hành vi này sẽ có trong 1 đến 2 giờ đầu sau sinh và kéo dài đến 3 tháng sau đó. Các dấu hiệu của việc trẻ muốn bú sữa mẹ có thể bao gồm:

- Xoay đầu sang các bên để tìm vú mẹ.

- Nút lưỡi và chép miệng như đang bú.

- Quằn người, rúc tìm ngực mẹ.

- Cho tay vào miệng.

Nếu trẻ khóc quấy nhiều là dấu hiệu đòi ăn muộn do bé thấy đói. Chính vì vậy, mẹ nên quan sát kỹ để tìm các tín hiệu và cho trẻ ăn sớm hơn, giúp trẻ không bị đói.

2. Nhu cầu bú mỗi ngày của trẻ sơ sinh

Mỗi trẻ có số cân nặng và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, do đó số lần bú và lượng sữa cần ở mỗi trẻ là khác nhau. Tuy nhiên, theo như các chuyên gia đã nghiên cứu, hầu hết trẻ sơ sinh đều cần bú từ 8 đến 12 lần mỗi ngày. Mỗi cữ bú nên cách nhau 2 tiếng đến 3 tiếng tùy thuộc vào bé bú sữa mẹ hay sữa công thức.

Lúc mới chào đời, dạ dày của bé chỉ chứa được khoảng 5 đến 7ml sữa do kích thước chỉ bằng quả anh đào. Đến ngày thứ 3 sau sinh, kích thước dạ dày sẽ lớn tương đương quả óc chó và có thể chứa được tối đa 27ml sữa. Sau 1 tháng, kích cỡ dạ dày sẽ tương đương quả trứng gà, có thể chứa từ 80 đến 150ml sữa.

Kích thước dạ dày của trẻ (Ảnh: Internet)

Kích thước dạ dày của trẻ (Ảnh: Internet)

Sau khi trẻ được 3 tháng tuổi, lượng sữa mỗi lần bú được có thể tăng lên 90 đến 150ml sữa, tương đương với 600 đến 900ml sữa mỗi ngày. Thời gian trung bình mẹ cho bé bú nên kéo dài 20 đến 30 phút mỗi cữ bú. Ít nhất là 10 phút cho mỗi bên ngực. Điều này là do 10 phút đầu tiên bé chỉ bú được chủ yếu là nước, trong khi sữa mẹ tiết ra sau đó mới mang nhiều dưỡng chất. Khi bé lớn hơn, khoảng sau 6 tháng tuổi thì thời gian bú cũng sẽ ngắn hơn, chỉ cần từ 5 đến 10 phút cho mỗi cữ bú.

Việc cho trẻ bú đêm cũng cần tùy theo nhu cầu. Vì việc bú bữa đêm sẽ làm bé thức giấc giữa chừng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

3. Cách cho trẻ sơ sinh bú đúng

Trong khoảng thời gian đầu từ 2 tuần tới 1 tháng, mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi cho bé bú. Phải mất khá nhiều thời gian để có thể tìm được tư thế cho bé bú ổn định và phù hợp với thể trạng của cả mẹ và bé. Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách giúp đảm bảo nguồn sữa cho bé được cung cấp tốt. Ngoài ra thực hiện đúng cách cho trẻ sơ sinh bú còn giúp mẹ tránh cảm giác đau khi cho con bú, đau núm vú hay nứt ở vú.

Để cho bé bú, mẹ cần mặc quần áo dễ chịu và thoải mái. Vị trí phù hợp để cho bé bú là khi cả con và mẹ đều thấy thoải mái, không bị căng cơ hay gò bó khó chịu. Khi trẻ tìm được đúng vị trí thoải máu, bé sẽ mở miệng và bắt đầu bú. Lúc này mẹ cần để bé chủ động càng nhiều càng tốt và đặt bé sao cho toàn thân bé là một đường thẳng.

Các tư thế cho bé bú đúng cách (Ảnh: Internet)

Dù mẹ cho bé bú ở tư thế nào, hãy cố gắng giữ bé ở 1 bên tay, tay còn lại nâng và giữ vú. Đặt ngón tay cái lên phần trên, phía sau khu vực quầng vú và lòng bàn tay phía dưới vú cách xa quầng vú. Tay bạn nên nhẹ nhàng nâng đỡ vú và hình thành một hình chữ “C” xung quanh vú. Cố gắng không thay đổi hình dạng vú theo bất kỳ cách nào.

4. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bú đúng cách

Mẹ sẽ biết được khi nào trẻ sơ sinh bú đúng cách khi thấy các dấu hiệu dưới đây bao gồm:

- Trẻ ngậm bắt vú đúng. Môi của bé hướng ra phía ngoài, trong khi đó núm vú cần phải nằm hoàn toàn trong miệng của trẻ. Hai hàm của trẻ sẽ cặp vào phần phía trên của vú chứ không chỉ là núm vú. Lưỡi của bé chụm quanh đầu vú, má chụm tròn và quầng vú còn lại ở phía trên nhiều hơn phía dưới.

Tư thế ngậm bắt vú đúng ở trẻ (Ảnh: Internet)

- Đầu và thân trẻ cần phải nằm ở trên cùng một đường thẳng. Khi bú mặt trẻ đối diện với vú và môi trẻ đối diện với núm vú. Thân trẻ cần được đặt sát người mẹ và toàn bộ người trẻ được nâng đỡ.

Trẻ chỉ bú có hiệu quả khi nuốt chậm, sâu, thỉnh thoảng dừng lại rồi bú tiếp. Mẹ có thể nhìn hoặc nghe thấy tiếng trẻ nuốt. Lưu ý khi trẻ vẫn muốn bú, mẹ không nên cố dừng bé lại. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu, không cho trẻ ăn hay uống thứ gì khác ngay cả nước lọc để trẻ phát triển tốt nhất.

5. Dấu hiệu bé đã bú đủ

Nhận biết dấu hiệu bé đã bú đủ no là một chuyện không hề đơn giản với những bà mẹ mới sinh con lần đầu. Tuy nhiên những dấu hiệu này rất rõ ràng và mẹ có thể nhận biết ngay chỉ cần chú ý quan sát. Dưới đây là những dấu hiệu bé đã bú đủ như:

- Bầu ngực của mẹ trở nên mềm hơn sau mỗi lần cho bé bú.

- Phân của trẻ có màu vàng và mềm.

- Bé đi tiểu đều đặn. Nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc không có màu. Nước tiểu không có mùi hôi lạ thường.

- Bé sẽ vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau khi được bú đủ no.

- Cân nặng của trẻ tăng lên một cách đều đặn sau khoảng 2 tuần đầu tiên sau sinh.

Một lưu ý nhỏ trong quá trình cho trẻ sơ sinh bú là nếu thời gian bú của trẻ ngắn hơn so với bình thường. Điều này là bình thường vì còn tùy thuộc vào bầu ngực của mỗi mẹ. Mỗi một người sẽ tạo ra khối lượng sữa khác nhau và bé có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng chỉ trong vòng vài phút khi bú. Mẹ hoàn toàn có thể yên tâm miễn là cần đảm việc cho con bú đúng cách cũng như không bỏ qua cữ bú nào.

6. Một số lưu ý về việc cho trẻ bú

Bên cạnh các dấu hiệu hay cách cho trẻ sơ sinh bú, mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

- Trong vài giờ đầu sau sinh, mẹ sẽ có một lượng sữa non. Sữa non là rất quý giá và có thể giúp trẻ miễn dịch hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chính vì vậy, mẹ hãy cố gắng hết sức có thể để tận dụng cho bé bú nguồn sữa này càng sớm càng tốt.

- Mẹ có thể dựa vào nhu cầu của bé để cho bé bú, không nhất thiết phải tuân theo tiêu chuẩn khuyến cáo nếu như bé không muốn. Ép bé bú liên tục có thể khiến bé nảy sinh tâm lý sợ hãi và khiến bé bỏ bú.

- Trong 2 tuần đầu sau khi sinh, bé có thể bị giảm cân sinh lý do cơ thể bé chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài. Thông thường, bé có thể giảm trung bình từ 140gr đến 200gr và sẽ trở lại mức cân nặng bình thường sau 10 đến 12 ngày. Chính vì vậy nếu bé có bị sút cân trong giai đoạn này khi bú mẹ, mẹ cũng không nên quá lo lắng.

- Tã của trẻ có thể chỉ hơi ẩm trong những ngày đầu sau sinh. Sau đó vài hôm, tã của trẻ sẽ ướt hơn nếu bú được nhiều. Nếu tã của trẻ ướt mẹ cần phải thay ngay để đảm bảo da bé luôn khô thoáng và không bị hăm. Trung bình mỗi ngày mẹ có thể thay từ 8 đến 10 chiếc tã.

- Bên cạnh việc cho bé bú đúng cách, mẹ cũng cần chú ý tăng cường chất lượng sữa và dinh dưỡng để giúp mẹ khỏe mạnh. Mẹ cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng. Bữa ăn nên có đầy đủ các nhóm thực phẩm như tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mẹ cần uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung đầy đủ DHA, EPAm sắt, iode đều đặn.

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/huong-dan-me-cach-cho-tre-so-sinh-bu-dung-tu-the-41202099133028949.htm