Hướng dẫn khai hải quan và báo cáo quyết toán đối với vật tư tiêu hao

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn và làm rõ cac quy định liên quan đến việc khai hải quan và báo cáo quyết toán đối với vật tư tiêu hao; công cụ, dụng cụ để cục hải quan các tỉnh, thành phố và DN thực hiện thống nhất.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc. Ảnh: N.Linh

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc. Ảnh: N.Linh

Về việc khai hải quan đối với vật tư tiêu hao NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK và công cụ NK, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể như sau:

Trước tiên về chính sách thuế, Căn cứ quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 2 luật thuế 107/2016/QH13, hàng hóa chỉ sử dụng trong doanh nghiệp chế xuất là đối tượng không chịu thuế. Căn cứ khoản 6, khoản 7 luật thuế 107/2016/QH13 được hướng dẫn tại điều 10 và điều 12 nghị định 134/2016/NĐ-CP thì nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu là đối tượng miễn thuế xuất nhập khẩu.

Mặt khác, căn cứ Điều 54 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 34 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Nguyên liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất để cấu thành sản phẩm XK; Vật tư trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất nhưng không chuyển hóa thành sản phẩm hoặc không cấu thành thực thể sản phẩm XK; vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm XK”.

Như vậy, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK bao gồm vật tư làm bao bì, đóng gói và vật tư tiêu hao. Theo đó, vật tư tiêu hao NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK được hiểu là vật tư trực tiếp tham gia vào quá trình gia công, sản xuất nhưng không chuyển hóa thành sản phẩm hoặc cấu thành thực thể sản phẩm XK, ví dụ như phấn vẽ trên vải trong ngành may mặc; hóa chất làm sạch bề mặt vi mạch trong ngành công nghiệp điện tử.

Về mã loại hình khai hải quan khi NK vật tư tiêu hao, Tổng cục Hải quan cho biết: Đối với hoạt động NK vật tư tiêu hao gia công cho thương nhân nước ngoài sử dụng mã loại hình E21; đối với hoạt động NK vật tư tiêu hao để sản xuất hàng hóa XK sử dụng mã loại hình E31.

Đối với hoạt động NK vật tư tiêu hao của DN chế xuất từ nước ngoài sử dụng mã loại hình E11; khi NK từ trong nước sử dụng mã loại hình E15.

Làm rõ khái niệm công cụ, dụng cụ, Tổng cục cho biết, Điều 26 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định đối với tài sản cố định. Theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động sau đây nếu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định thì được ghi nhận là công cụ, dụng cụ như: Các đà giáo, ván, khuôn, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp; búa, kìm, cờ lê, mỏ lết; phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng; quần áp, giầy dép chuyên dùng để làm việc…

Về mã loại hình sử dụng khi DN NK công cụ, dụng cụ sử dụng mã loại hình A12 (bao gồm cả DN chế xuất), trừ trường hợp công cụ, dụng cụ do bên đặt gia công cung cấp theo hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài thì sử dụng mã loại hình G13.

Để thực hiện thống nhất việc khai hải quan và quản lý đối với nguyên liệu, vật tư và công cụ, dụng cụ NK, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn DN căn cứ quy định nêu trên và thực tế quá trình sản xuất, quản lý tại DN để thực hiện việc khai với cơ quan Hải quan.

Về việc nộp báo cáo quyết toán và thông báo định mức thực tế đối với vật tư tiêu hao, Tổng cục Hải quan cho biết, DN thực hiện loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu hoặc là DN chế xuất thực hiện báo cáo quyết toán với cơ quan Hải quan về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK theo năm tài chính. Đối với vật tư tiêu hao không xây dựng được định mức theo sản phẩm thì DN không phải xác định định mức thực tế sử dụng, nhưng phải phản ánh rõ tại chỉ tiêu thông tin số 27.11 mẫu số 27 Phụ lục I trong trường hợp thông báo định mức qua hệ thống hoặc tại cột ghi chú (9) mẫu số 16/ĐMTT/GSQL Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Về việc nộp báo báo cáo quyết toán và thông báo định mức thực tế đối với công cụ, dụng cụ, DN không phải xây dựng, thông báo định mức thực tế sử dụng cũng như nộp báo cáo quyết toán với cơ quan Hải quan về tình hình sử dụng công cụ, dụng cụ. Riêng đối với DN chế xuất là đối tượng không chịu thuế nên DN chế xuất có trách nhiệm sử dụng công cụ, dụng cụ là trong DN, khi thanh lý phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 79 Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 55 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Nội dung hướng dẫn trên cũng tháo gỡ vướng mắc của DN được nêu tại hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 13/5/2019 vừa qua.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/huong-dan-khai-hai-quan-va-bao-cao-quyet-toan-doi-voi-vat-tu-tieu-hao-105521.html