Hướng dẫn dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ em

Thời tiết từ tháng 9-12 hằng năm là lúc trẻ dễ bị viêm mũi họng kéo dài. Các loại thuốc nhỏ mũi giúp trẻ dễ thở, giảm chảy nước mũi... nhưng dễ bị lạm dụng. Do đó, cần dùng đúng loại, đúng thời gian để tránh tác hại do thuốc gây ra.

1. Một số loại thuốc nhỏ mũi dùng được cho trẻ

Các loại thuốc nhỏ mũi thông thường giúp giảm sung huyết, giảm chảy nước mũi giúp dễ thở thường chứa thành phần có tác dụng gây co mạch: Naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin… Tuy nhiên không phải loại nào cũng dùng được cho trẻ.

Một số thuốc trẻ có thể sử dụng:

1.1 Thuốc nhỏ mũi natriclorid 0,9%

Hay còn gọi là nước muối sinh lý - là dung dịch đẳng trương, nước muối sinh lý có tác dụng làm ẩm niêm mạc và có tác dụng làm long và loãng dịch mũi... nên được dùng để nhỏ mũi nhằm giảm triệu chứng nghẹt mũi, vệ sinh mũi dễ dàng hơn. Thuốc khá an toàn do đó dùng được cho cả trẻ sơ sinh.

Dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ phải hết sức thận trọng.

Dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ phải hết sức thận trọng.

Mặc dù là nước muối sinh lý có giá thành thấp, nhưng lại có nhiều đơn vị sản xuất, thậm chí là cơ sở sản xuất không bảo đảm đúng quy trình. Do đó nên lựa chọn sản phẩm được bào chế an toàn, mua thuốc tại các cửa hàng thuốc uy tín để đảm bảo chất lượng.

Có thể sử dụng thuốc ngày 2-3 lần hoặc hơn, tùy tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi của trẻ. Mặc dù hiếm tác dụng phụ, nhưng cũng không nên sử dụng quá nhiều. Đặc biệt là khi tình trạng mũi họng của trẻ hoàn toàn bình thường thì không nên lạm dụng. Bởi việc lạm dụng nước muối sinh lý làm mất đi độ ẩm tự nhiên trong mũi của trẻ, có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ sơ sinh.

2. Thuốc co mạch

- Xylometazoline: Có tác dụng điều trị chứng nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, viêm xoang. Loại dùng cho trẻ em có nồng độ 0,05%. Thuốc làm co các mạch máu ở mũi, từ đó giảm sưng và giảm tắc nghẽn, giúp thông thoáng đường thở.

Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp làm giảm triệu chứng tạm thời chứ không điều trị căn nguyên của tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi.

Thuốc không nên sử dụng quá 3 ngày, nếu sử dụng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng viêm tắc mũi trở lại nặng nề hơn.

- Oxymetazoline: Thuốc dùng được cho trẻ dưới 1 tuổi có nồng độ 0,01%; trẻ từ 1-6 tuổi dùng loại có nồng độ 0,025%. Thuốc có tác dụng co mạch, do đó cải thiện được tình trạng bít tắc đường thở, được sử dụng để điều trị triệu chứng nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang. Thuốc ít khi gây kích ứng, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ: Hắt hơi, buồn nôn…

Do đó cần sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ để được xử trí.

Chỉ nên sử dụng thuốc trong 3 ngày, sau đó có nhu cầu sử dụng tiếp tục thì phải dừng 2 thuốc ngày mới được dùng trở lại.

Cả thuốc xylometazoline và oxymetazoline nếu sử dụng nhiều hơn liều điều trị đều không mang lại hiệu quả cải thiện tình trạng nghẹt mũi mà còn gia tăng tác dụng phụ; thậm chí gây nhờn thuốc, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Lạm dụng, quá liều có thể gây ngộ độc thuốc ở trẻ. Bởi các loại thuốc nhỏ mũi có tác dụng gây co mạch không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà có thể gây co mạch toàn thân rất nguy hiểm.

Hướng dẫn trẻ cách xì mũi để giúp mũi thông thoáng hơn.

2. Cách nhỏ mũi cho trẻ

Khi trẻ còn nhỏ, việc sử dụng các dung dịch nhỏ mũi có thể gặp khó khăn do trẻ không hợp tác. Tuy nhiên, có thể giúp cảm thấy dễ chịu và hợp tác nếu phụ huynh biết cách nhỏ mũi cho trẻ.

Đầu tiên là không nên cưỡng ép khiến trẻ hoảng sợ. Việc cần làm là nhẹ nhàng (có thể vừa nói chuyện hoặc vừa hát cho trẻ nghe) và thực hiện từng bước:

- Đặt trẻ sơ sinh ở tư thế nằm (có thể ngả người trẻ lên đùi của phụ huynh), đỡ đầu của trẻ cao hơn thân, hơi nghiêng về phía sau.

- Lắc nhẹ, đều lọ thuốc và mở nắp.

- Bóp nhẹ lọ thuốc làm sao để lượng thuốc vừa đủ vào mũi. Thực hiện nhẹ nhàng từng bên lỗ mũi, tránh để ống thuốc chạm vào mũi.

- Giữ trẻ yên tư thế ngả đầu như vậy từ 30 - 60 giây để thuốc thấm sâu vào bên trong hoặc làm loãng chất dịch mũi.

- Nghiêng người trẻ sang một bên (nếu là vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý).

- Sử dụng khăn bông tăm vô trùng, nhẹ nhàng loại bỏ lớp gỉ mũi, nước mũi chảy ra ngoài. Tránh để trẻ bị khó chịu hoặc đau sẽ khiến trẻ sợ hãi, giãy giụa.

- Vệ sinh miệng lọ thuốc bằng khăn sạch rồi khóa nắp bảo vệ.

Mời độc giả xem thêm video:

DS.Hoàng Ngọc Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-dan-dung-thuoc-nho-mui-cho-tre-em-169221105134836553.htm