Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phòng, chống tham nhũng

Để thống nhất trong thực hiện và áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, cần phải có hướng dẫn một cách đầy đủ, rõ ràng, cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn “Dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng”, do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28-7.

Qua điều tra, khảo sát của UNDP cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức tương đối tốt việc xây dựng các quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp. Đã có 42% đã xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát; 26% đang xây dựng và có 32% không xây dựng.

Số đã xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát đa phần là công ty cổ phần (45% số công ty cổ phần, 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát), công ty hợp danh (50% số công ty hợp danh, 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát), tổ chức ngoài nhà nước 45% số tổ chức ngoài nhà nước và 8% so với số các tổ chức, đơn vị được khảo sát) và chỉ có 9% số công ty TNHH (2% so với số các cơ quan, tổ chức được khảo sát) 22% cơ quan nhà nước (4% so với số các cơ quan, tổ chức được khảo sát) đã xây dựng cơ chế kiểm soát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáng quan tâm, các doanh nghiệp TNHH thì dường như chưa có ý thức cao về vấn đề này, vì đối tượng này thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách, và cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu tham nhũng lan tràn trong bộ máy công quyền.

Đây chính là nhóm đối tượng cần được lưu ý trong việc hỗ trợ về tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ pháp lý sau này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 93% số lượng doanh nghiệp trong toàn quốc, có một vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Việc xây dựng những chính sách lớn để thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh, nói không với tham nhũng, hối lộ trong khối doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng, chống tham nhũng dài hạn của đất nước.

Hiện nay, Luật PCTN và Nghị định quy định rất cụ thể các hình thức công khai, minh bạch đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, nhưng đối với khu vực ngoài nhà nước vẫn còn quy định mang tính chất chung chung. Các doanh nghiệp, tổ chức cũng chưa hiểu hết cần phải công khai, minh bạch bằng hình thức nào, bởi vì có 35% đối tượng lựa chọn hình thức là công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; 37% chọn phương án Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị và 23% chọn phương án Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Qua khảo sát có 59% số người được hỏi lựa chọn phương án người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. 23% lựa chọn cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các "biểu hiện" của tình hình tham nhũng trong khu vực tư được thể hiện qua đánh giá của DN về chi phí không chính thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Điều tra PCI do VCCI tiến hành, năm 2019 có đến 83,13% DN "chấp nhận" với các "khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được". Bởi có đến 62% DN cho biết công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức.

Trong giai đoạn 2013-2019, có sự giảm đáng kể tỷ lệ DN đồng ý với nhận định "hợp đồng mua sắm công, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh". Tuy nhiên, năm 2019, vẫn còn đến 63,44% DN đồng ý với nhận định này (so với 96,59% của năm 2013).

Năm 2019, có gần 20% DN được khảo sát đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu. Nhiều DN vẫn lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa tranh chấp ra Tòa. Và theo đánh giá của DN, "mối quan hệ với cơ quan nhà nước" là yếu tố cần thiết để tiếp cận thông tin…

Qua quá trình khảo sát, phỏng vấn, nhóm nghiên cứu thấy rằng, để thống nhất trong thực hiện và áp dụng Luật PCTN năm 2018 trong thời gian tới, cần phải có hướng dẫn một cách đầy đủ, rõ ràng, cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong việc quy định cũng như thực hiện quy định về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước được quy định trong Luật PCTN.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-dan-doanh-nghiep-to-chuc-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-phong-chong-tham-nhung-203102.html