Hướng dẫn cha mẹ các bước rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Rửa mũi cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bé phòng tránh các bệnh về đường hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi hoặc viêm mũi... khi thời tiết chuyển mùa.

Tại sao cần phải vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh?

Dịch mũi của trẻ khi mới xuất hiện là dịch trong, loãng, khi đó trẻ chỉ mới ủ bệnh. Một thời gian sau khi bệnh tiến triển, dịch mũi chảy nhiều hơn và chuyển sang màu vàng hoặc xanh, đặc sệt và có mùi tanh đặc trưng khiến trẻ khó chịu và quấy khóc cả ngày.

Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp bảo vệ đường hô hấp trên - Ảnh minh họa: Internet

Vi khuẩn trong dịch mũi rất nhiều, nếu mẹ không vệ sinh cho trẻ, dịch sẽ dễ chảy vào tai mang và xuống họng, gây ra viêm tai, viêm họng. Việc vệ sinh mũi nhằm loại bỏ chất nhờn, dị vật và vi khuẩn trong mũi trẻ, làm thông thoáng đường hô hấp của trẻ, giúp trẻ dễ thở hơn.

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh khá đơn giản, chỉ cần mẹ tỉ mỉ và nhẹ nhàng, tránh thao tác mạnh làm tổn thương mũi trẻ.

Chuẩn bị dụng cụ:

- Nước muối sinh lý NaCl 0.9%
- Dụng cụ hút mũi (nếu cần)
- Khăn bông mềm và tăm bông sạch

Thao tác thực hiện:

Trải miếng lót chống thấm trên giường. Nên ngâm ấm lọ nước muối trước khi dùng. Cho trẻ sơ sinh nằm ở tư thế nghiêng một bên, để vòi phun của chai nước muối gần lỗ mũi trẻ, bơm thẳng dung dịch vào mũi trong khoảng 2-3 giây.

Nếu trẻ há miệng ra, cha mẹ hãy dùng tay đẩy miệng bé lên khép lại. Nước muối và dịch mũi sẽ chảy ra theo bên mũi còn lại. Thao tác phải thật nhanh và dứt khoát. Dùng khăn sạch lau dịch mũi và nước mũi chảy ra. Tiếp tục lặp lại thao tác như trên ở bên mũi còn lại.

Thao tác rửa mũi cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện nhanh chóng, dứt khoát - Ảnh minh họa: Internet

Khi dịch mũi của trẻ quá đặc không thể chảy ra ngoài, mẹ hãy sử dụng tới dụng cụ hút. Sau khi xịt dung dịch vào mũi trẻ, một tay mẹ giữ đầu của trẻ, tay còn lại cầm dụng cụ hút mũi, bóp giữ trước rồi để sát vào lỗ mũi trẻ, thả tay ra để dụng cụ hút không khí trở lại bình đồng thời kéo chất nhầy trong mũi ra theo.

Sau khi đã hút được dịch mũi của trẻ, mẹ lấy dụng cụ ra ngoài và bóp thật mạnh để chất nhầy ra khỏi dụng cụ, lau sạch đầu hút. Tiếp tục thực hiện thao tác tương tự với bên mũi còn lại.

Sau khi rửa mũi xong, đặt trẻ nằm sấp lên tay mẹ, đầu thấp, mông cao. Vỗ nhẹ từ đáy phổi vỗ lên (từ xương sườn cuối cùng vỗ nhẹ lên cổ, không vỗ từ trên xuống). Thao tác này vừa giúp long đờm vừa giúp dịch chảy ra miệng. Dùng tăm bông lau nhẹ nhàng mũi cho trẻ.

Những lưu ý khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Trong quá trình rửa mũi cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần chú ý:

- Rửa tay thật sạch trước khi rửa mũi cho trẻ

- Dụng cụ sử dụng để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh phải đảm bảo hoàn toàn sạch sẽ.

- Vào mùa đông, cha mẹ nên làm ấm dung dịch nước rửa mũi trước khi thực hiện vì mũi trẻ tiếp xúc với nước lạnh sẽ khiến niêm mạc mũi dễ bị tổn thương, gây viêm nhiễm.

- Ưu tiên dùng nước muối sinh lý khi vệ sinh mũi và chỉ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý khi trẻ có các triệu chứng viêm mũi. Việc rửa mũi quá thường xuyên cũng ảnh hưởng đến niêm mạc mũi trẻ, ảnh hưởng đến hô hấp. Có dịch mới thực hiện rửa mũi, nếu không có dịch chỉ nên rửa 1 lần/tuần.

Cha mẹ cần tuân thủ đúng các bước rửa mũi cho trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

- Chú ý chỉ vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh trước khi ăn và lúc trẻ còn thức để tránh nôn trớ trong quá trình rửa mũi.

- Tuyệt đối không dùng miệng để hút nước mũi cho trẻ vì rất mất vệ sinh, dễ khiến vi khuẩn từ miệng lây sang mũi trẻ.

- Không được nhỏ nước ép tỏi vào mũi trẻ theo mẹo dân gian. Hoạt động này không những không giúp trẻ dễ thở hơn mà còn khiến niêm mạc mũi trẻ bị bỏng, nhiễm trùng.

- Trường hợp cha mẹ không biết cách rửa mũi chính xác cho trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế để thực hiện một cách an toàn.

Thảo Đỗ (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/huong-dan-cha-me-cac-buoc-rua-mui-cho-tre-so-sinh-c22a304262.html