Hướng dẫn bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Sáng nay (20/3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị được truyền trực tuyến tại điểm cầu thành phố tới 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã.

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã thông báo phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, việc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của cử tri, tham gia trực tiếp vào quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến và bày tỏ tín nhiệm đối với những người ứng cử giúp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan tham gia bầu cử làm tốt việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt hiệu quả cao.

Theo yêu cầu, việc tổ chức hội nghị cử tri phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện bước bốn từ ngày 21/3 đến ngày 13/4/2021.

Về Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân, theo quy định: Nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập; nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị.

Đối với Hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân: Nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 2/3 tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại diện cử tri và phải bảo đảm có ít nhất là 70 cử tri tham dự hội nghị.

Hướng dẫn cũng nêu rõ, tùy đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các tổ chức Công đoàn trực thuộc cử đại diện tham dự; trường hợp không có tổ chức Công đoàn thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phân bổ số lượng người để các đơn vị trực thuộc cử đại diện tham dự.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đàm Văn Huân giải đáp một số vướng mắc các quận, huyện, cơ sở nêu

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đàm Văn Huân đã trực tiếp giải đáp một số vướng mắc các quận, huyện, cơ sở nêu trong quá trình triển khai thực hiện như: Trường hợp người ứng cử cư trú ở một nơi, công tác ở nơi khác thì tổ chức lấy ý kiến ở đâu; kinh phí tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; người tự ứng cử làm nghề tự do thì lấy ý kiến cử tri nơi công tác như thế nào; thủ tục đối với ứng cử viên xin rút khỏi danh sách sau khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thông qua; trường hợp số lượng cử tri mong muốn tham dự hội nghị vượt quá số lượng triệu tập dự hội nghị…

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đàm Văn Huân cho biết: Đến nay, theo danh sách sơ bộ, Hà Nội có khoảng 500 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố được lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian từ ngày 21/3 đến ngày 13/4/2021. Với số lượng người lớn như vậy ngay đầu tuần tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố sẽ phân bổ danh sách người cần lấy ý kiến tại nơi cư trú về các quận, huyện, thị xã.

“Thời gian để tổ chức bước bốn diễn ra trong 22 ngày, do vậy, ngay sau Hội nghị này, tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, có tiến độ cụ thể, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra”, ông Đàm Văn Huân đề nghị.

Phó Chủ tịch Đàm Văn Huân cũng yêu cầu, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần lưu ý quá trình triển khai thực hiện hội nghị lấy ý kiến cần đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt cần ứng xử có tính nhân văn, không phân biệt đối xử, có hình thức động viên tinh thần đối với những trường hợp ứng viên không đạt 50% tín nhiệm của cử tri, để cuộc bầu cử đạt được kết quả cao nhất.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huong-dan-buoc-bon-quy-trinh-hiep-thuong-gioi-thieu-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap-120492.html