Hướng công tác phổ biến pháp luật về cơ sở

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, người dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã đa dạng hóa hình thức và huy động nhiều cơ quan, đơn vị hướng về cơ sở để cùng PBGDPL, nhờ vậy, công tác này ở địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Bộ đội Biên phòng và Hải quan Quảng Bình tuyên truyền các quy định về phòng , chống ma túy tới đồng bào vùng biên giới huyện Minh Hóa.

Bộ đội Biên phòng và Hải quan Quảng Bình tuyên truyền các quy định về phòng , chống ma túy tới đồng bào vùng biên giới huyện Minh Hóa.

Kết quả quan trọng nhất trong công tác PBGDPL thời gian qua tại Quảng Bình là tập trung hướng về cơ sở để tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù. Sở Tư pháp phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó nổi bật là thực hiện đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017- 2021” tỉnh Quảng Bình.

Là địa bàn biên giới nằm ở phía tây Quảng Bình, xã Trường Sơn chiếm gần hai phần ba diện tích đất tự nhiên của huyện Quảng Ninh. Đây là địa bàn trọng điểm, có địa hình rừng núi hiểm trở, đời sống của đồng bào Vân Kiều đang gặp nhiều thiếu thốn; trình độ dân trí còn thấp, kéo theo đó là nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chọn xã biên giới Trường Sơn là đơn vị làm điểm để triển khai đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới”. Bộ đội Biên phòng đã tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung bằng cách sân khấu hóa hoặc xen kẽ, lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật vào các tiết mục văn nghệ, phát tờ rơi tuyên truyền kết hợp nói chuyện thời sự để nhắc nhở người dân về các việc nên làm và những điều cần tránh. Bộ đội đến tận nhà trưởng bản, già làng trò chuyện và phổ biến các quy định pháp luật để tranh thủ uy tín và vai trò của họ trong việc làm “đầu tàu”, hướng dẫn cho đồng bào tuân thủ pháp luật.

Theo Thượng tá Đinh Xuân Hùng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, việc PBGDPL cho người dân biên giới không dàn trải mà chỉ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, cần thiết gắn với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đó là các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Biên giới quốc gia và Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế biên giới đất liền; Luật Bảo vệ và phát triển rừng… Bà Hồ Thị Thiêng, ở bản Chân Trộng, xã Trường Sơn chia sẻ: “Trước đây, đồng bào dân tộc Vân Kiều có tục “nối dây” trong hôn nhân, bây giờ được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, dần dần người dân nhận thức được việc đó là vi phạm cho nên đã bỏ”. Anh Hồ Nam ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn cho biết, dân bản thường vào sâu trong rừng kiếm lâm sản, săn bắt động vật rừng để mưu sinh mà không biết có những thứ được lấy, có những cái vi phạm, nhờ Bộ đội Biên phòng chia sẻ thông tin rõ hơn để không vi phạm pháp luật. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải cho biết, thông qua các buổi tuyên truyền PBGDPL, người dân vùng biên giới đã dần có ý thức hơn, hiện tượng vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ rừng giảm hẳn, đồng bào tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trước đây, do thiếu hiểu biết về pháp luật, một số ngư dân ở tỉnh Quảng Bình đã sang đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ nhưng hai năm nay, tình trạng vi phạm pháp luật trên biển gần như chấm dứt. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình trong việc đưa kiến thức pháp luật đến với ngư dân, giúp họ vươn khơi khai thác hải sản đúng quy định và tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Thiếu tá Lưu Trọng Đạt, Chính trị viên Hải đội 2 cho biết, với phương châm “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên tích cực”, đơn vị chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng lực truyền tải thông tin để tuyên truyền các nội dung pháp luật cụ thể, gần gũi với đời sống hằng ngày, giúp ngư dân dễ hiểu, dễ nhớ và thực hiện. Đó là các quy định của Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá và các vùng đánh cá chung trên biển, các nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản... Hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật được thực hiện đa dạng trên cơ sở tạo thuận lợi cho ngư dân trong hoạt động nghề cá.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”, Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức chín lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại các địa bàn trọng điểm. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hôn nhân và gia đình, chuẩn tiếp cận pháp luật, về khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và những quy định pháp luật khác. Hằng tháng, hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn nội dung trọng tâm tuyên truyền, PBGDPL trong tháng. Sở Tư pháp biên soạn, thu âm các quy định của pháp luật để phát trên hệ thống loa truyền thanh của các xã. Để góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật (TSPL). Đến nay, toàn tỉnh có 2.375 TSPL, trong đó có 820 TSPL ở cơ sở. Ngoài ra, một số xã còn lắp đặt máy vi tính, kết nối in-tơ-nét để người đọc truy cập và cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, kết hợp mô hình TSPL với TSPL điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, công tác PBGDPL ở địa phương đã đi vào nền nếp, có trọng tâm, phù hợp từng đối tượng cho nên tạo được chuyển biến về nhận thức pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này, trong đó chú trọng kết nối in-tơ-nét cho TSPL cấp xã để hướng dẫn người dân tiếp cận nhanh, chính xác các quy định pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL; tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các ngành, đơn vị trong công tác PBGDPL cho người dân, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật trong chương trình sinh hoạt của khu dân cư.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/42187202-huong-cong-tac-pho-bien-phap-luat-ve-co-so.html