Hương bưởi thơm cho lòng bối rối...

'Tháng ba cây bưởi trổ hoa - Nhụy vàng thân trắng đậm đà sắc hương…' (Hương Bưởi, Lãng Du Khách)

Bị cám dỗ bởi nhiều bài thơ tình “đốn tim” về bông bưởi và khá nhiều món ăn chơi thanh lịch của dân Hà thành vào mùa hoa bưởi, nhóm chúng tôi vội tranh thủ về thăm vườn bưởi Tân Triều.

“Điếc” hương

Thế nhưng lúc đầu, chúng tôi có hơi thất vọng. Vì đang lom khom dưới tán vườn bưởi rộng hơn 1ha đương mùa ra bông rộ mà mũi chẳng ngửi được tí mùi thơm hấp dẫn nào. Vườn này, của chú Năm Huệ, ở cù lao Tân Triều thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Trúng vụ bông bưởi Tân Triều.

Trúng vụ bông bưởi Tân Triều.

Không chịu thua, một người bạn kề sát mũi vào chùm hoa trắng tinh khôi xen nhụy vàng lấm tấm, rực rỡ trong nắng mai, hít lấy hít để. “Ủa, sao mà thơm nồng đậm tựa như mùi bông sứ, bông lài vậy trời!”, bạn tròn mắt than thở.

Chưa tin, vài cái mũi tiếp theo cũng vội kề sát vào mấy bông khác, làm như kiểu “thơm” (hun) phớt lên gò má của đứa trẻ bụ bẫm, dễ thương vậy. Buồn thay, kết quả vẫn không có gì khác biệt.

Thế nhưng, lúc chúng tôi quay lưng ra khỏi vườn bưởi khoảng 5-10 mét, mũi lại thoảng “nghe” làn hương dịu ngọt, thanh thoát tung tăng bên cạnh. Thì ra, nãy giờ chúng tôi bị “điếc mùi”, do đang ở quá gần cả vườn bông bưởi đang mùa khoe hương sắc.

Anh Hoàng, quản lý ở đây cho biết vụ bông bưởi năm nay trúng bất ngờ. Có lẽ, do thời tiết thuận lợi nhờ vậy số lượng bông “đơm” gấp đôi năm rồi.

Cho nên, mỗi ngày các nhân công ở đây phải trèo hái tỉa đến “mệt mỏi”, thu được cỡ 10 ký bông/ngày, trên tổng diện các vườn rộng khoảng 10ha.

Bởi nếu không hái tỉa, thì sau đó chúng cũng tự “rụng sinh học” chứ không thể đậu trái đạt tỷ lệ 100% trên số lượng hoa đã nở được. Vả lại, nếu cây đậu trái quá nhiều, trên 200 trái/cây, từ 7 - 8 năm tuổi, sẽ dễ suy cây. Kéo theo, tỷ lệ trái đèo đẹt cũng nhiều hơn. Như vậy, sẽ không đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thơm thanh thoát bông bưởi đường lá cam.

Được biết, mùa bông bưởi ở cù lao này nở luân phiên và kéo dài cỡ hai tháng. Nay, còn khoảng 15 ngày nữa sẽ hết mùa rộ. Sau đó, sẽ tới giai đoạn nở lác đác.

Mặt khác, sản lượng bông bưởi thu hái vừa kể ở vườn chú Năm Huệ, chủ yếu dùng ướp trà vỏ bưởi chứ chưa phối dụng nhiều vào các món ăn thức uống khác. Do vậy, tôi liền đề nghị mang nhúm bông bưởi tươi nguyên, ướp vào món gà tre hấp vỏ bưởi thử xem sao...

“Độ”… bồ câu

Chị Hà, bếp trưởng ở đây, bàn thêm: thử thay gà tre bằng bồ câu Pháp xem có “ép - phê” hơn không. Bởi, bồ câu vốn nặng mùi hơn gà. Vậy là thử ngay!

Kết quả ngoài mon đợi! Từng sớ thịt bồ câu thấm đẫm mùi hương thanh thoát lẫn dịu ngọt của hoa bưởi mới thú vị làm sao!

Cũng nhờ có bông bưởi mà một món ăn bình dị bỗng trở nên sang cả hơn. Với lại, lượng tinh dầu trong vỏ bưởi tươi đã “nhiệt tình” khử sạch mùi hôi lông trên mình chú bồ câu Pháp vừa mới nhú lông măng (ra ràng).

Chấm thêm tí muối tiêu chanh, độ ngọt bùi nơi miếng thịt ức bồ câu càng thêm thơm ngon tròn vị vô cùng.

Thanh tân diệu kỳ, dùng trang trí hay tẩm ướp món ăn đều sang cả.

Thật hấp dẫn món bồ câu ướp bông bưởi, hấp cách thủy.

Phấn chấn, tôi mang về gần 100g bông bưởi vừa chớm nở, cho nhỏ em - định nấu chè bưởi. Nào ngờ, nhỏ này, mang nấu nước gội đầu với nhúm vỏ bưởi đường lá cam Tân Triều. “Thơm lừng cả phòng luôn!”, nhỏ hí hửng khoe.

Thật quả, ông bà ta đúc kết chẳng sai tí nào: “Hoa lài, hoa lý, hoa ngâu/Chẳng bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng” (ca dao).

Bài, ảnh: Tạ Tri

______________

* Tựa bài viết mượn lời bài hát "Hương thầm", nhạc Vũ Hoàng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/huong-buoi-thom-cho-long-boi-roi-27840.html