Hungary nói suy thoái kinh tế châu Âu là 'tin vui' với Washington, Ngân hàng Đức cảnh báo mối nguy khi vay từ các ngân hàng Mỹ

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 25/11 phát biểu với báo chí rằng, xu hướng suy thoái kinh tế tại châu Âu là 'tin vui' đối với Mỹ và Washington đã 'kịp hưởng lợi' từ thực tế này. Trong khi Deutsche Bank nổ 'phát súng' mới nhất, trong cuộc chiến với các ngân hàng Mỹ nhằm giành lấy các khách hàng châu Âu trên sân nhà.

Hungary nói suy thoái kinh tế châu Âu là 'tin vui' với Washington, Ngân hàng Đức cảnh báo mối nguy khi vay từ các ngân hàng Mỹ. (nguồn: USEU.usmission.gov/TTXVN)

Hungary nói suy thoái kinh tế châu Âu là 'tin vui' với Washington, Ngân hàng Đức cảnh báo mối nguy khi vay từ các ngân hàng Mỹ. (nguồn: USEU.usmission.gov/TTXVN)

Ngoại trưởng Hungary cũng đánh giá, tình hình kinh tế tại châu Âu đang diễn biến “không tích cực’, do Ủy ban châu Âu đã tạo ra “những rào cản” đối với dòng đầu tư vào các nước Liên minh châu Âu.

Hồi tháng 8, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng, châu Âu đang trở nên yếu đi do cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, trong khi các hãng dầu khí của Mỹ sớm lợi dụng tình hình để tăng doanh số và lợi nhuận từ thị trường châu Âu.

Kinh tế châu Âu đang bên bờ vực suy thoái trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng suy giảm, trong khi tỷ lệ lạm phát tăng vọt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây (23/10) dự báo, các nền kinh tế hàng đầu của khu vực là Đức và Italy sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới. Theo đó, sự suy yếu ở nhiều nền kinh tế châu Âu có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu hơn trên toàn khu vực, trong khi giá cả leo thang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại xuống mức 0,6% vào năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi - không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước liên quan xung đột tại Ukraine, cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%. Nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023 do phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi kinh tế Italy sẽ giảm 0,2% vào năm tới.

Dự báo mới nhất của IMF được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang vật lộn với lạm phát leo thang và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng. Giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Trong tháng 9/2022, lạm phát tại Eurozone đã tăng lên 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999.

Cũng về tình hình kinh tế của các nước thành viên châu Âu, mới đây, Ngân hàng Deutsche Bank của Đức đã cảnh báo các công ty châu Âu vay tiền từ các ngân hàng Mỹ rằng họ sẽ bỏ rơi đối tác khi gặp khó khăn.

Lời cảnh báo này được thành viên hội đồng quản trị Deutsche Bank Fabrizio Campelli đưa ra trong một cuộc phỏng vấn và đây cũng được xem là "phát súng" mới nhất trong cuộc chiến với các ngân hàng Mỹ để giành lấy các khách hàng châu Âu trên sân nhà.

Ông Fabrizio Campelli nói rằng, một số doanh nghiệp châu Âu đã nhận ra những rủi ro khi không hợp tác với các công ty có sự cam kết lâu dài với các khu vực nơi họ hoạt động.

Ông Campelli, là người giám sát bộ phận doanh nghiệp của Deutsche Bank và cũng là người hỗ trợ ngân hàng này trải qua các cuộc cải tổ, cho biết các ngân hàng Mỹ "có xu hướng cho vay linh hoạt tùy theo hoàn cảnh". Có bằng chứng cho thấy các ngân hàng không phải của Đức ở quốc gia này ngừng cho vay, trong khi các ngân hàng Đức sẽ cho vay dài hạn hơn trong thời gian dịch bệnh vào năm 2020.

Số liệu từ Dealogic được Reuters tổng hợp cho thấy, năm 2021, năm trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, gồm JPMorgan, Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs và Citigroup, đã "nắm giữ" 35% các khoản vay của các công ty Đức, tăng so với mức 18% của một thập niên trước.

Giám đốc điều hành Deutsche Bank Christian Stitch gần đây đã cảnh báo "nguy cơ" của việc châu Âu phụ thuộc vào các ngân hàng nước ngoài, tương tự như mối nguy về sự phụ thuộc của khu vực vào năng lượng bên ngoài.

Deutsche Bank từ lâu đã nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải có các ngân hàng mạnh để cạnh tranh với các đối thủ của Mỹ và Trung Quốc, nhưng những cảnh báo mới nhất đã cho thấy mức độ cấp thiết hơn.

Ông Campelli kêu gọi cần có sự phối hợp giữa các chính trị gia và cơ quan quản lý để hỗ trợ các ngân hàng châu Âu.

Phản ứng trước lời cảnh báo trên, các ngân hàng Mỹ đã bác bỏ những lời chỉ trích. JPMorgan, hiện là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Đức, cho biết họ đã cam kết.

Stefan Behr, người đứng đầu hoạt động ở châu Âu của JPMorgan, nói với Reuters rằng, ông không thấy bất kỳ sự cản trở nào đối với tăng trưởng ở Đức và lưu ý rằng, "nhiều ngân hàng Đức làm việc với JP trong nhiều giao dịch và JP cũng là đối tác ngân hàng của họ".

Người đứng đầu Citigroup tại Đức Stefan Hafke thì nói rằng, cơ sở khách hàng của họ ở Đức được hình thành từ "các mối quan hệ bền vững và lâu dài".

Trong khi đó Goldman Sachs, ngân hàng có số lượng nhân viên ở Đức tăng lên trong những năm gần đây, từ chối bình luận.

Morgan Stanley cũng hành động tương tự.

Người phát ngôn của Bank of America cho biết thị trường Đức cực kỳ quan trọng trong chiến lược của ngân hàng, do đó sẽ không có sự thoái lui.

(theo Sputniknews, Ibtimes)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hungary-noi-suy-thoai-kinh-te-chau-au-la-tin-vui-voi-washington-ngan-hang-duc-canh-bao-moi-nguy-khi-vay-tu-cac-ngan-hang-my-207504.html