Hungary - EU: Có sóng yên biển lặng?

Việc chính trị gia theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc Viktor Orban tái đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba liên tiếp sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc duy trì ổn định và phát triển của Liên minh châu Âu (EU) vốn đang tồn tại khá nhiều vấn đề.

Theo đó, liên minh giữa đảng Fidesz và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (KDNP) do ông Orban dẫn dắt đã giành được 48.48% phiếu bầu, chiếm 133 ghế, bỏ xa hai đối thủ phía sau là đảng Jobbik (20.22%) và liên minh đảng Xã hội Hungary (12.33%).

Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hungary (NVI) cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu đạt mức 69,26%, tăng hơn 7% so với cuộc bầu cử năm 2014 và một số điểm bầu cử buộc phải mở cửa muộn để đáp ứng số lượng gia tăng này. Phát biểu trước những người ủng hộ tối ngày 8/4, ông cho rằng kết quả này sẽ giúp người dân “có cơ hội để bảo vệ chính mình và bảo vệ Hungary”. Câu nói này không chỉ thể hiện lập trường chủ nghĩa dân tộc của vị Thủ tướng, mà còn là tín hiệu tiên đoán về mối quan hệ Hungary – EU chẳng “sóng yên bể lặng” thời gian tới.

Nhân tố không bí ẩn

Vị Thủ tướng Hungary chưa bao giờ là một gương mặt xa lạ trên chính trường châu Âu. Kể từ khi trở lại cương vị lãnh đạo đất nước năm 2010, ông Viktor Orban đã nhiều lần bị EU cáo buộc phá vỡ cân bằng bộ máy chính quyền, hướng tới kiểm soát Tòa án và siết chặt giới truyền thông. Đáng ngại hơn, chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sẽ cho phép ông đề xuất những thay đổi về mặt hiến pháp và tiếp tục chính sách có thể đe dọa tới lợi ích của Hungary nói riêng và châu Âu nói chung như tiến hành đóng cửa và đánh thuế tới 25% những tổ chức phi chính phủ ủng hộ nhập cư.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫy chào người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố tối ngày 8/4. (Nguồn: Getty)

Ngoài ra, điều khiến các nhà hoạch định chính sách của EU lo lắng không kém là lập trường theo chủ nghĩa dân tộc của ông Viktor Orban, khi mà chiến dịch tranh cử vừa qua của liên minh đảng Fidesz có trọng tâm xoay quanh việc “cải tổ” đất nước và từ chối tiếp nhận người tị nạn. Ngay khi khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu bùng phát năm 2015, Thủ tướng Viktor Orban đã đi đầu trong việc từ chối tham gia vào quá trình phân bổ của EU, đồng thời đóng cửa biên giới “nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và bản sắc của Hungary”.

Nóng mặt với người từng được EU hết lòng ủng hộ này, một số chuyên gia cho rằng EU có thể trừng phạt Hungary nếu nước này vi phạm Hiệp ước Copenhagen, vốn yêu cầu quốc gia thành viên duy trì thượng tôn pháp luật và thể chế liên quan. Theo đó, EU có thể áp dụng Mục 7 của hiệp ước, tiến hành cấm vận, ngừng trợ cấp ngân sách và tước quyền bỏ phiếu của Hungary trong các vấn đề chung của khối, một khi nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các quốc gia thành viên.

Dẫu vậy, cần nhớ rằng với không chỉ Hungary mà tại Ba Lan, Áo hay Italy, phong trào dân túy cũng đang phát triển mạnh mẽ, với lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chiếm ưu thế, trong khi các đảng phái truyền thống mất dần sức hút và chỉ giành được sự ủng hộ ít ỏi. Do đó, khó có thể trông chờ những quốc gia này bỏ phiếu chống lại ông Orban, người tiên phong trong từ chối tiếp nhận người tị nạn từ phía châu Âu. Chiến thắng của nhà lãnh đạo 54 tuổi thậm chí sẽ là động lực to lớn, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc tiếp tục phát triển tại châu Âu.

Khó chồng khó

Hơn ai hết, với tư cách là quốc gia dẫn dắt EU, Đức hiểu rõ những thách thức mà khối phải đối mặt khi Hungary tiếp tục “ngáng đường” quy chế phân bổ người tị nạn và chính sách cốt lõi khác của EU. Người Phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel, Steffen Seibert cho biết: “Thủ tướng đã chúc mừng ông Orban, người sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng sau cuộc bầu cử Quốc hội tại Hungary vừa qua. Chúng tôi nhận thức rõ rằng hợp tác giữa các bên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi, điển hình là chính sách nhập cư”. Tương tự, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker gửi thư chúc mừng tân Thủ tướng Hungary, đi kèm với thông điệp mạnh mẽ rằng tất cả các nước thành viên cần bảo vệ nền dân chủ và các giá trị truyền thống.

Tuy nhiên, nhận thức và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhất là trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong và ngoài khu vực. Tiến trình đàm phán Brexit đang trong giai đoạn then chốt – việc Anh rời khỏi EU cũng gây ra nhiều hệ lụy đáng kể, đặc biệt là tới tính gắn kết của khối. Hơn nữa, Brussels vẫn chưa thể tìm kiếm giải pháp triệt để cho vấn đề phân bổ người tị nạn, điều đã ít nhiều chia rẽ các nước thành viên và tạo động lực cho chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh mẽ. Về đối ngoại, mối quan hệ với Nga ngày một sứt mẻ sau vụ việc cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh, trong khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dồn EU vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Do đó, việc khối này cần ưu tiên ở thời điểm hiện tại là tìm kiếm đồng thuận về các vấn đề đối nội gây tranh cãi như phân bổ người nhập cư, mở cửa biên giới, trong khi duy trì tính thống nhất trong chính sách đối ngoại. Để làm được điều này, EU cần phải thuyết phục Thủ tướng Viktor Orban và đảng Fidesz rằng Hungary là thành viên quan trọng của khối, thay vì đóng vai “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến châu Âu tiếp tục lao đao trong năm 2018.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hungary-eu-co-song-yen-bien-lang-69478.html