Hưng Yên: Xin dừng đề án đô thị đại học ngàn tỷ

Khu đô thị Đại học Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án từ năm 2009 với mục tiêu xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên vừa trình Thủ tướng xin kết thúc việc triển khai Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến sau 13 năm triển khai không đạt được kết quả như mong muốn.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa trình Thủ tướng xin kết thúc việc triển khai Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến sau 13 năm triển khai không đạt được kết quả như mong muốn.

Ngày 10/7/2009, Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến số: 999/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu xây dựng Khu đại học Phố Hiến nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội, phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và xu thế hội nhập quốc tế; góp phần vào việc phân bố mạng lưới trường đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, giãn bớt một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đại học theo hướng chuẩn hóa.

Sau 10 năm, khu đô thị đại học Phố Hiến vẫn còn dang dở.

Ngoài ra, một khu đô thị hiện đại được xây dựng mới tại thành phố Hưng Yên và vùng phụ cận góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân địa phương và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ; khu đô thị được kỳ vọng trở thành một điểm nhấn thúc đẩy sự phát triển các ngành du lịch, dịch vụ của thành phố Hưng Yên cũng như khu vực phía nam tỉnh Hưng Yên, vốn không có thế mạnh về phát triển công nghiệp.

Quy mô sử dụng đất khoảng 1.000 ha (gần bằng 1/4 tổng diện tích của toàn thành phố Hưng Yên hiện nay), trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700 ha và diện tích sử dụng xây dựng đô thị khoảng 300 ha.

Khu đại học Phố Hiến dự kiến phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 - 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ (bằng 2/3 dân số của thành phố Hưng Yên năm 2008); diện tích các công trình phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoảng 1 triệu 537 nghìn m² sàn, diện tích các công trình phục vụ sinh hoạt nội trú sinh viên khoảng 529 nghìn m² sàn, diện tích xây nhà cho cán bộ, giảng viên khoảng 34 nghìn m² sàn. Kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung (cho khoảng 1.000 ha) dự kiến là 5.530 tỷ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, khu đô thị đại học Phố Hiến theo phê duyệt ban đầu có chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khoảng 5.530 tỷ đồng, trong đó tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng 300 héc-ta đất đô thị trong khu đô thị đại học khoảng 4.800 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác 730 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đề án từ 2009-2020.

Đến nay khu đô thị đại học này chỉ hoàn thành được một số tuyến đường trục chính theo quy hoạch. Hơn chục trường đại học dự kiến chuyển về xây dựng cơ sở đào tạo tại khu đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1, trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương… đều chưa thực hiện, việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu Đại học Phố Hiến gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, Khu đại học Phố Hiến mới chỉ có 2 trường đại học đi vào hoạt động là Trường đại học Chu Văn An và Đại học Thủy lợi. Nhưng sau đó, Cơ sở mới của Đại học Thủy Lợi tại Hưng Yên có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đành rút lui do hạ tầng chưa hoàn thiện.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các trục giao thông chính trong Khu đại học Phố Hiến là hơn 729 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng vốn huy động cho Khu đại học Phố Hiến từ ngân sách và các nguồn khác mới là 533 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách 335 tỷ, vốn địa phương hơn 63 tỷ, vốn ODA là hơn 134 tỷ đồng. Như vậy, trong tổng số 730 tỷ huy động từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác, thì vẫn còn gần 200 tỷ chưa cân đối được.

Từ thực tế nêu trên việc triển khai xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến quá chậm, không phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh, UBND tỉnh Hưng Yên gửi kiến nghị Thủ tướng cho dừng thực hiện Đề án xây dựng khu đô thị đại học Phố Hiến. Tỉnh cam kết giữ lại 200 héc-ta đất trong khu đại học để tiếp tục nhận các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp có nhu cầu xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại khu đại học Phố Hiến.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hung-yen-xin-dung-de-an-do-thi-dai-hoc-ngan-ty.html