Hưng Yên: Xây dựng danh mục dự án gọi vốn đầu tư

Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án, doanh nghiệp (DN) tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) song sản phẩm làm ra mới đáp ứng được tỷ lệ nhỏ, chưa tham gia vào chuỗi cung ứng để cung cấp sản phẩm cho DN.

Phát triển chưa đồng đều

Hiện nay, ngành CNHT tỉnh Hưng Yên đã hình thành khá rõ nét trong 6 lĩnh vực: Cơ khí, chế tạo; thiết bị điện – điện tử; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp ôtô; sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Theo số liệu của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 193 dự án sản xuất các sản phẩm CNHT. Trong đó có 20 dự án thuộc ngành điện tử; 21 dự án thuộc ngành sản xuất, lắp ráp ôtô; 18 dự án thuộc ngành cơ khí chế tạo.

 Dệt may là 1 trong 6 lĩnh vực chủ lực thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh

Dệt may là 1 trong 6 lĩnh vực chủ lực thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh

Một số DN tiêu biểu trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phải kể đến như: Công ty TNHH Dây và cáp điện Ngọc Khánh; Công ty TNHH Dây và cáp điện ôtô Sumiden Việt Nam, sản xuất dây cáp điện với công suất gần 100 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Hamaden Việt Nam, sản xuất linh kiện và phụ tùng ôtô với công suất trên 6 nghìn tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Kosaka Việt Nam, sản xuất trục động cơ cho xe tải công nghiệp với công suất 49 nghìn sản phẩm/năm; Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù số lượng DN trong nước tham gia vào ngành CNHT tại tỉnh nhiều hơn các DN nước ngoài, nhưng chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ cấu sản xuất CNHT. Nguyên nhân là do công nghệ lạc hậu, các DN trong nước mới chỉ dừng ở sản xuất sản phẩm dân dụng, thiếu sản phẩm chuyên dụng. Ngoài ra, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh thấp, do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vật tư, nguyên liệu nhập từ nước ngoài.

Đối với dệt may, hầu hết CNHT của ngành này chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về mức độ phong phú, đa dạng, chủng loại, giá thành. Đặc biệt, các DN dệt may chủ yếu sản xuất gia công cho DN nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Theo chuyên gia kinh tế, nếu DN dệt may không tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì không thể được hưởng các chính sách ưu đãi thuế từ những hiệp định song phương, đa phương mang lại. Đặc biệt, nguyên tắc xuất xứ về sợi và vải luôn được các đối tác đặt ra khắt khe.

Ưu tiên phát triển

Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đại diện Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, hiện, sở tham mưu với tỉnh thực hiện rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển CNHT tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với điều kiện mới và những quy định của Chính phủ, sát với thực tiễn của tỉnh, có tính khả thi cao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Tích cực tìm kiếm, vận động, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương cũng đề ra những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho DN CNHT trên địa bàn phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng. Theo đó, xây dựng lại danh mục những dự án kêu gọi vốn đầu tư, có sắp xếp thứ tự ưu tiên gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư. Tạo sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện ôtô trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện, dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao.

Nguyễn Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hung-yen-xay-dung-danh-muc-du-an-goi-von-dau-tu-142687.html