Hưng Yên và Thái Bình có nhiều ổ dịch tả lợn: Bệnh có lây sang người?

8 ổ dịch tả lợn Châu Phi vừa được phát hiện tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Số lợn bị dịch đã được ngành chức năng xử lý tiêu hủy. Tuy nhiên nhiều người lo lắng dịch bệnh này liệu có thể lây sang cho người?

Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Thông tin về dịch tả lợn Châu Phi (ASF), ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi là hộ ông Dương Văn Vũ (Đội 5, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (thôn Khóa nhu 2, xã Yên Hòa, Yên Mỹ).

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ 33 con lợn của hộ chăn nuôi ông Dương Văn Vũ và 101 con lợn của hộ ông Lê Xuân Tình; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF.

Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn.

Trước đó, tại Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African Swine Fever) gây ra bởi loại vi rút có tên là African Swine Fever (ASF), lần đầu tiên ghi nhận tại châu Á vào năm 2017. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi nhưng xâm nhập vào châu Á do việc nhập khẩu thịt, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh xuất phát từ khu vực có dịch. Dịch bệnh đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn và động vật nhiễm bệnh tại nước này, đồng thời dịch bệnh cũng gây quan ngại lớn cho ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Bệnh tả ở lợn không có khả năng lây nhiễm sang người kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín. Ảnh minh họa: Internet

Tại Nhật Bản, từ đầu tháng 9/2018 nước này ghi nhận trở lại dịch bệnh tả lợn (tên tiếng Anh là: Hog Cholera, Classical Swine Fever hoặc Swine Cholera) tại một nông trại tại miền Trung sau 26 năm (kể từ năm 1992). Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn gây ra bởi một loại vi rút họ Flaviridae, có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ lợn chết cao (lên đến 90%) với các triệu chứng xuất huyết.

Trước tình hình trên, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước.

Theo Bộ Y tế, mặc dù dịch bệnh ở lợn kể trên được gọi là tả lợn (có tác nhân gây bệnh là vi rút) nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra). Đến nay, bệnh tả ở lợn không có khả năng lây nhiễm sang người kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín.

Thái Hà (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/hung-yen-va-thai-binh-co-nhieu-o-dich-ta-lon-benh-co-lay-sang-nguoi-1379731.tpo