Hưng Yên tập trung cải thiện chỉ số quản trị và hành chính công

Tỉnh Hưng Yên đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính để đạt được hiệu quả thiết thực, nhằm nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI). Năm 2018, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 35 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số PAPI, tăng sáu bậc so với năm 2017. Trong đó, một số tiêu chí được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất như: Tham gia người dân ở cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công.

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).Ảnh: HOÀNG BỀN

Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).Ảnh: HOÀNG BỀN

Ðể nâng cao chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp và có biện pháp nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp. Trong đó, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, công khai minh bạch trong quá trình điều hành, rà soát, bình xét, công nhận đối tượng được hưởng chính sách; công khai thu chi ngân sách, sử dụng ngân sách tài chính công, quy hoạch, khung bảng giá đất; tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nâng cao sự giám sát của người dân với chính quyền. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương phải tập trung nâng cao chất lượng, cải thiện hơn nữa đối với nội dung quản trị môi trường và quản trị điện tử; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương phải có lịch tiếp công dân cụ thể. Ðối với vụ việc phức tạp, kéo dài, lãnh đạo phải trực tiếp về cơ sở, tìm hướng giải quyết. Ðồng thời, chỉ đạo cụ thể để chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Cán bộ phải tự học để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

* Trà Vinh nâng cao chỉ số đào tạo lao động

Tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để nâng cao chỉ số đào tạo lao động của tỉnh. Ðây là một trong 10 chỉ số thành phần để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Trà Vinh liên tục bị tụt giảm trong nhiều năm qua.

Ðược biết, nguyên nhân chỉ số đào tạo lao động của tỉnh hiện ở mức thấp là do hoạt động đào tạo, giới thiệu việc làm của tỉnh còn hạn chế. Các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm của tỉnh chưa tạo được cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp với người lao động…

Ðể nâng cao chỉ số đào tạo lao động, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh; tổ chức các hội thảo gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để bàn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ làm cầu nối cho các trung tâm, cơ sở dạy nghề để tăng cường liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng cho khoảng 8.000 người, từ đó bảo đảm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo.

Ðồng thời, tỉnh huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp, dành một khoản tương ứng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức rà soát, khảo sát đối tượng người lao động đã có tay nghề, nhưng chưa có chứng chỉ đang trực tiếp làm công việc của nghề đó trong doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… để đào tạo, bồi dưỡng,
sát hạch và cấp chứng chỉ, nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40505702-hung-yen-tap-trung-cai-thien-chi-so-quan-tri-va-hanh-chinh-cong.html