Hưng Yên quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, giáp Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã tạo ra sự phát triển bứt phá về công nghiệp.

NDĐT- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, giáp Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã tạo ra sự phát triển bứt phá về công nghiệp.

Trong gần năm năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đưa vào hoạt động nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh nhằm kết nối hệ thống giao thông, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trong tỉnh Hưng Yên với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các đường vành đai của Thủ Đô, các đô thị lớn, cảng biển, sân bay ở khu vực miền bắc, như: Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Hưng Hà, cầu La Tiến; đường tỉnh lộ 200, đường đê tả sông Hồng, đường đê tả sông Luộc.

Đồng thời, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện theo Quy hoạch điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Từ năm 2016-2019, Điện lực tỉnh Hưng Yên đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, cải tạo và xây dựng mới được 533 km đường dây trung thế, 659 km đường dây hạ thế, xây dựng mới 984 trạm biến áp, công suất 1.624.710 kVA; đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm như: Đường dây và Trạm biến áp 110 kV Minh Hải; đường dây và trạm biến áp 110kV Văn Giang 1 và Văn Giang 2; cải tạo đường dây 110kV Kim Động - Phố Cao… góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, nhằm phân bố phát triển công nghiệp hợp lý, khai thác hiệu quả các điều kiện thuận lợi của địa phương cho phát triển công nghiệp, đồng thời bảo đảm phù hợp quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10 KCN với diện tích hơn 2.481 ha. Trong đó, có năm KCN đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đi vào hoạt động: Phố Nối A, KC Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Minh Đức và Yên Mỹ II; ba KCN đang tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng hạ tầng: Yên Mỹ, Minh Quang và Kim Động; KCN Tân Dân và KCN Lý Thường Kiệt đang thực hiện các thủ tục quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường dự án. Tổng diện tích đất công nghiệp thuê sử dụng của các dự án đầu tư thứ cấp trong các KCN đang hoạt động khoảng 1.768 ha.

Tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai xây dựng, phát triển cụm công nghiệp, theo Quyết định số 3143/QĐ-UBND, ngày 28-12-2018, UBND tỉnh Hưng Yên về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển CCN, cơ chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với CCN.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được 535 dự án đầu tư vào CCN. Trong đó, có bốn cụm đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, gồm: Minh Khai I và II; Chỉ Đạo, Đại Đồng, Tân Dân, Lương Bằng - Hiệp Cường; hai cụm đạt tỷ lệ lấp đầy 50-80% diện tích gồm CCN Sạch Văn Giang, Tân Tiến; sáu cụm đã thu hút được các dự án đầu tư đạt tỷ lệ lấp đầy lên đến 30%. Năm 2019, đã có hai CCN được thành lập là CCN Minh Hải 1, huyện Văn Lâm và CCN Quảng Lãng - Đặng Lễ, huyện Ân Thi; Sở Công thương tỉnh Hưng Yên đã thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập tám CCN: Bảo Khê, Văn Giang, Tân Tiến, Tân Dân, Vân Du - Quang Vinh, Văn Nhuệ, Vũ Xá 1, Ngô Quyền và đang trong thời gian thẩm định hồ sơ thành lập sáu CCN: Dị Chế, Minh Châu - Việt Cường - Thanh Long, Quán Đỏ, Yên Phú, Trần Cao - Quang Hưng, Hòa Phong. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh Hưng Yên sẽ thành lập và đưa vào hoạt động được 17 CCN.

Sự quan tâm đến quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cùng với việc đẩy mạnh cải các hành chính, thủ tục hành chính đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư ở tỉnh Hưng Yên. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có hơn 2.000 dự án trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký tương đương hơn 11 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, phân phối toàn cầu của các Tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Hưng Yên duy trì tăng ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,21%; kim gạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 tỷ USD….

Để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, Đặng Ngọc Quỳnh cho biết: Tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh cải các hành chính, thủ tục hành chính; hoàn thành thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư một số KCN khu công nghiệp thuộc KCN đô thị - dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng khoảng 3.000 ha. Hoàn thành thủ tục mở rộng KCN Thăng Long II, KCN Yên Mỹ II, và các cụm công nghiệp để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhất là các dự án của doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, dự án tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

PHẠM HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44778702-hung-yen-quy-hoach-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cong-nghiep.html