Hưng Yên: Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức trung bình cả nước

Theo Kho bạc Nhà nước Hưng Yên, tính đến 15/7, đơn vị đã thanh toán được 51,9% kế hoạch vốn đầu tư công, cao hơn mức giải ngân trung bình cả nước (mức giải ngân trung bình cả nước là 33,1%).

Tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công lớn, trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: TL

Tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công lớn, trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: TL

Ban hành kế hoạch giải ngân cụ thể

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của hầu hết các tỉnh thành đều bị chậm, đặc biệt là trong quý I/2020. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hưng Yên, số giải ngân trên địa bàn tính đến hết tháng 3/2020 đạt 25,7%, tuy nhiên số giải ngân vốn điều chuyển từ năm 2019 chuyển sang năm 2020 mới đạt 7,2%.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 6/2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã họp và yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư tập trung thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, trong công tác chuẩn bị thực hiện dự án; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu.

Cụ thể, đối với các dự án dự kiến hoàn thành năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu tập trung hoàn thiện dự án, kịp thời nghiệm thu thi công xây lắp; lập ngay quyết toán dự án hoàn thành trình phê duyệt; thanh toán vốn trong thời hạn 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng nghiệm thu.

Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xây lắp dự án công trình, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu khối lượng hạng mục hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán. Đối với dự án khởi công mới năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương lập, thẩm định, trình phê duyệt thiết kế và dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, đặc biệt đối với các dự án lớn như dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh (ĐT) 387 (Lương Tài - Bãi Sậy); dự án cải tạo, nâng cấp đường huyện (ĐH) 17 kéo dài đến ĐT 379 và chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Lê Văn Lương; dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài…

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư; các sở, ban, ngành phải ban hành kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng chủ đầu tư.

Đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ kiểm soát chi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến

Nhờ sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh. Ông Nguyễn Thái Hà - Giám đốc KBNN Hưng Yên cho biết, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh được giao năm nay là 4.672 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch giao năm 2020 là 4.090 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 583 tỷ đồng.

Tính đến hết 15/7, tỉnh đã giải ngân được 2.424 tỷ đồng, đạt 51,9% kế hoạch, trong đó, kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân được 2.268 tỷ đồng, đạt 55,4%; kế hoạch kéo dài đã giải ngân được 156 tỷ đồng, đạt 26,8%. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh Hưng Yên cao hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc (tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 33,1%).

Tuy nhiên, số vốn cấp tỉnh quản lý mới giải ngân được 647 tỷ đồng, đạt 31,8% so với kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 36%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc (tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 34,1%).

Ngoài ra, nguồn vốn dự phòng hỗ trợ từ trung ương chưa thực hiện giải ngân và nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2019 kéo dài mới giải ngân được 5,6 tỷ đồng, đạt 2,1% kế hoạch giao.

Ông Nguyễn Thái Hà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ kiểm soát chi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động KBNN.

Đồng thời, đơn vị chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2020 của từng dự án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu,… để có các biện pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020.

Cùng với đó, đơn vị sẽ duy trì việc công khai số liệu giải ngân định kỳ theo quy định đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản do địa phương quản lý tại trụ sở KBNN nơi giao dịch, nhằm giúp UBND các cấp, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan kịp thời nắm bắt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, xây dựng kế hoạch vốn được giao, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra, đơn vị sẽ tích cực đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích./.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-27/hung-yen-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cao-hon-muc-trung-binh-ca-nuoc-90064.aspx