Hưng Yên đề nghị có lộ trình cải cách tiền lương GV để thầy cô yên tâm công tác

Hưng Yên đề nghị Chính phủ giảm thiểu thủ tục chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo NĐ 116; có lộ trình cải cách tiền lương cho giáo viên.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong báo cáo này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã điểm qua một số kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Hưng Yên đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về: đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin ngày một nâng cao; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; kiểm tra đánh giá theo yêu cầu.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học và phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên.

Trường Trung học phổ thông Đức Hợp kết hợp với Bảo tàng Hưng Yên tổ chức trưng bày và giới thiệu lưu động với chủ đề Giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Ảnh: hungyen.edu.vn.

Trường Trung học phổ thông Đức Hợp kết hợp với Bảo tàng Hưng Yên tổ chức trưng bày và giới thiệu lưu động với chủ đề Giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Ảnh: hungyen.edu.vn.

Cơ sở vật chất được tăng cường, đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa; trang thiết bị phục vụ dạy học ở các cấp học luôn được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với xu hướng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện và phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh.

Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được coi trọng.

Chuyển đổi cơ chế tài chính còn chậm, chưa tận dụng được lợi thế xã hội hóa

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, báo cáo cũng đề cập đến một số khó khăn, hạn chế trong thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Cụ thể, với việc sắp xếp quy hoạch các trường, sau khi sáp nhập, do quy mô số lớp, số học sinh tăng dẫn đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyên môn. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sau sáp nhập tăng, nên việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn cũng như sinh hoạt chung gặp rất nhiều khó khăn, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời. Một số trường còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể do khoảng cách giữa 2 điểm trường cách xa nhau.

Ngoài ra, số lượng người làm việc trong các cơ sở trung học cơ sở công lập của tỉnh còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp.

Do thay đổi về trình độ đào tạo đối với giáo viên khối mầm non và tiểu học theo Luật Giáo dục năm 2019 (cụ thể: giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải tốt nghiệp cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên), nên nguồn tuyển dụng đối với 3 cấp học trên còn hạn chế.

Hơn nữa, việc chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính để thực hiện trả lương cho viên chức từ nguồn thu sự nghiệp trong các nhà trường còn chậm nên chưa có cơ sở để thực hiện tuyển dụng viên chức đối với số biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, dẫn đến tình trạng số biên chế chưa sử dụng còn nhiều, chưa đảm bảo số giáo viên giảng dạy trong các nhà trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ, việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, một số công trình phụ trợ của các đơn vị trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp, phòng thực hành Tin học của một số nhà trường còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2020-2021, 2021-2022, học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần nào bị ảnh hưởng đến phương pháp học tập.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phù Cừ (Hưng Yên) với tiết học sân khấu hóa tác phẩm văn học. Ảnh: hungyen.edu.vn.

Nguyên nhân của những hạn chế trên được chỉ ra, do việc triển khai tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (kế toán trường, thư viện - thiết bị,...) theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có những ảnh hưởng nhất định đối với việc triển khai Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, toàn tỉnh đã sắp xếp kiện toàn, giảm 32 trường công lập (sáp nhập 28 trường tiểu học và trung học cơ sở; 2 trường trung học cơ sở; 1 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; 1 trường trung học phổ thông).

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 10/11/2022 về triển khai thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2022. Trong đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân toàn tỉnh 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021...

Mặt khác, chưa có quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi cơ chế tài chính đối với các trường mầm non, tiểu học, các trường trung học cơ sở chất lượng cao, trung học phổ thông; chuyển đổi các trường mầm non, trường phổ thông công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là đối với thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp có dân số tăng nhanh do nhập cư, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với việc tuyển dụng giáo viên, gặp khó khăn do giáo viên mới tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng, chưa hoàn thiện trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Giáo viên tại Hưng Yên tham dự tiết dạy minh họa trong sinh hoạt chuyên môn liên trường. Ảnh: hungyen.edu.vn.

Dự kiến hỗ trợ một phần sinh hoạt phí cho giáo viên sau khi được tuyển dụng trong thời gian nhất định

Từ những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới.

Về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết 51.

Trong đó, tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về quản lý nhà nước và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông (con người, tài chính, cơ sở vật chất...): Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có.

Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp tiểu học), bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Đối với tỉnh Hưng Yên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp như sau:

Về việc quản lý giáo viên thừa thiếu cục bộ giữa các môn học: Các đơn vị tiếp tục rà soát, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo các môn học; xây dựng phương án sắp xếp, điều chuyển giáo viên tại đơn vị, địa phương (nếu có).

Về việc thu hút tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học: Tỉnh Hưng Yên có kế hoạch ban hành chính sách thu hút của tỉnh theo hướng hỗ trợ một phần sinh hoạt phí cho giáo viên sau khi được tuyển dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đối với con em Hưng Yên theo học sư phạm tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh theo quy định.

Nhiều giải pháp được đưa ra để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: hungyen.edu.vn.

Về việc bố trí giáo viên trong trường hợp đơn vị chưa có đủ số biên chế được giao: Các đơn vị thực hiện việc ký hợp đồng với giáo viên để giảng dạy các môn học theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, các đơn vị không thực hiện bố trí giáo viên dạy và trả lương làm thêm giờ mà thực hiện ký hợp đồng với người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Giảm thiểu thủ tục chi trả hỗ trợ sinh viên sư phạm và có lộ trình cải cách tiền lương

Không chỉ đề cập đến các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và đối với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị có cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho giáo viên và đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

Đối với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương: Trong việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sư phạm, góp phần thu hút học sinh giỏi tốt nghiệp trung học phổ thông tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên, đề nghị Chính phủ xem xét, triển khai các giải pháp sau:

Đối với công tác rà soát, xác định nhu cầu đào tạo:

Đề nghị Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan căn cứ thống kê chung trong toàn quốc để xác định nhu cầu giáo viên các cấp, từ đó giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp, khoa học hơn.

Việc xác định nhu cầu tuyển dụng, giao chỉ tiêu đào tạo gắn với việc giao biên chế giáo viên để đảm bảo vị trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, tránh khủng hoảng thừa/thiếu sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Đề nghị Chính phủ giao kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi trả chi phí sinh hoạt cho sinh viên trong thời gian học tập cho cơ sở đào tạo, sẽ giảm thiểu các thủ tục chi trả hỗ trợ cho sinh viên, các thủ tục liên quan giữa địa phương và cơ sở đào tạo và các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Việc xác định nhu cầu tuyển dụng, giao chỉ tiêu đào tạo gắn với việc giao biên chế giáo viên để đảm bảo vị trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa: hungyen.edu.vn.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế giáo viên đảm bảo đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, có lộ trình cải cách tiền lương đối với giáo viên đảm bảo để giáo viên yên tâm công tác và có cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục.

Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tạm thời chưa áp dụng tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thủy Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hung-yen-de-nghi-co-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-gv-de-thay-co-yen-tam-cong-tac-post233810.gd