Hùng Vương lãi gần 14 tỷ quý III, giảm hơn 4.000 tỷ nợ vay

Bán một loạt công ty con và thanh lý tài sản đã giúp Hùng Vương có lãi sau thuế 13,7 tỷ đồng trong quý III niên độ 1/10/2017 – 30/9/2018.

Quý III có lãi nhờ thu tài chính lớn và chi phí giảm mạnh

Theo BCTC hợp nhất quý III niên độ 2017-2018, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) đạt 1.451,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước; lãi gộp giảm 82% xuống 60,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 9,8% xuống 4,2%.

Tuy nhiên, hoạt động tài chính đem về doanh thu 134 tỷ đồng, gấp 4,8 lần và chi phí giảm mạnh 58% xuống 66,8 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay giảm một nửa từ 128 tỷ xuống 66,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng giảm khá nhiều.

Do vậy, dù hoạt động liên doanh, liên kết lỗ 23 tỷ và hoạt động khác lỗ 21,3 tỷ, công ty vẫn có lãi sau thuế 13,7 tỷ đồng, phần lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ là 29,8 tỷ đồng; giảm lần lượt 70,5% và 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của HVG đạt 6.444 tỷ đồng giảm một nửa cùng kỳ năm trước, lỗ ròng 366 tỷ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu giảm từ 5.234 tỷ về 2.682 tỷ và doanh thu nội địa giảm từ 7.041 tỷ về 3.761,8 tỷ đồng. Hoạt động thủy sản, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và phụ phẩm chế biến bị hụt thu nhiều nhất.

Tích cực thoái vốn giảm nợ vay

Tuy hoạt động kinh doanh của Hùng Vương chưa có dấu hiệu cải thiện nhưng sức khỏe tài chính đã có bước tiến rõ rệt. Tính đến 30/6, công ty giảm nợ vay ngắn hạn đến hơn một nửa (3.719 tỷ) từ 7.069 tỷ đồng về 3.350,7 tỷ đồng, nợ vay dài hạn cũng giảm mạnh từ 671 tỷ về 335,4 tỷ đồng (giảm 335,6 tỷ đồng). Tại thời điểm cuối kỳ, chủ nợ vay ngắn hạn lớn nhất của HVG là BIDV với tổng nợ 2.204 tỷ đồng (vừa VND, vừa USD).

Điều này giúp cho nợ phải trả của công ty giảm từ 11.378 tỷ xuống 6.503 tỷ đồng, tổng nợ gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu (thời điểm đầu kỳ là 4,55 lần).

Về tài sản, công ty giảm mạnh các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho so với đầu kỳ với lần lượt 32% và 53%. Tài sản dài hạn cũng giảm một nửa xuống 2.168 tỷ đồng.

Hiện tại, công ty hoạt động với quy mô 10 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp. Công ty không còn hợp nhất kết quả kinh doanh cùng CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng do chỉ còn sở hữu 49,38% vốn và CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) sau khi bán toàn bộ vốn cho Tập đoàn PAN.

Trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh sau soát xét nửa năm, Hùng Vương cho biết đã thoái 100% vốn CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) thu về 487 tỷ đồng, lãi 213 tỷ đồng; thoái trên 50% vốn CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) thu 501 tỷ đồng (40%), lãi 187 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty thanh lý lô đất 765 Hồng Bàng – TPHCM thu về 375 tỷ, lãi 229 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty có lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty con 253,4 tỷ đồng giúp doanh thu tài chính tăng mạnh lên 274 tỷ đồng.

Theo chia sẻ từ ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, công ty sẽ thanh lý tất cả các lĩnh vực kinh doanh như nuôi heo, thức ăn chăn nuôi, nuôi tôm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cá tra.

Vào đầu tháng 5, HVG đã có Nghị quyết HĐQT thoái 18,16% vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT). Tính đến cuối quý 3 công ty chưa thoái được.

Tường Như

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hung-vuong-lai-gan-14-ty-quy-iii-giam-hon-4-000-ty-no-vay-20180801121452876p4c147.news