Hung thần biển cả

Hai du khách một tử nạn, một đang hôn mê tại Ðà Nẵng khi sử dụng dịch vụ mô tô nước trên bãi biển. Sự việc đau lòng rung hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn cho du khách.

Mô tô nước ngày càng nhiều trên biển Ðà Nẵng. Ảnh: PV.

“Hung thần” trên biển

Hôm 6/8, người thân gia đình anh Ðàm Xuân Ðắc (Hà Nội) có mặt ở bãi biển Mỹ Khê (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) để làm nghi lễ tâm linh cho con trai Ð.M.H tử nạn sau tai nạn trên biển chiều 2/8. Trong khi đó tại Bệnh viện Ða khoa Quảng Nam, em M. - người đi cùng H. trên chiếc mô tô nước cũng đang hôn mê sau vụ tai nạn.

Anh Trần Ðức Tâm (du khách Hà Nội) là người thân của M. và H., cho biết: Ba gia đình gồm 10 người thuê căn biệt thự ven biển Ðà Nẵng để nghỉ dưỡng. Chiều 2/8, tại khu nghỉ dưỡng có 4 mô tô nước, trong đó 3 chiếc phân khối 1.100 và một chiếc (màu đen) phân khối 1.800. Lượt đầu, 4 người đàn ông thuê 2 chiếc (phân khối 1.100) giá hơn 1,7 triệu/chiếc chạy trong 30 phút. Hết lượt, gia đình anh tiếp tục thuê 2 mô tô, một chiếc anh Tâm điều khiển chở người nhà, chiếc còn lại do cháu H. điều khiển, chở theo cháu M. Ðến khoảng 17h30, khi mọi người đang dừng lại để ngắm dù lượn thì một chiếc mô tô do một nam du khách điều khiển bất ngờ mất lái tông thẳng vào mô tô nước của cháu H. và M. Hai cháu được đưa lên bờ nhưng H. không qua khỏi.

Theo anh Tâm và người nhà nạn nhân, dù cho thuê dịch vụ nhưng du khách không được hướng dẫn điều khiển, và công tác cứu hộ cứu nạn không đảm bảo. Thời điểm xảy ra tai nạn cả 4 mô tô của khu nghỉ dưỡng này đều đã cho thuê hết, nên nhân viên cứu hộ không thể ra ứng cứu mà chỉ biết đứng trong bờ vẫy cờ. Khi anh Tâm vớt được cháu M. lên mô tô đưa vào bờ, nhân viên cứu hộ mới có phương tiện chạy ra ứng cứu nhưng đã quá muộn.

Anh Tâm cho biết: Ngay cả khi đưa hai cháu lên bờ, nhân viên không có kỹ năng sơ cứu, cứu hộ trong khi thiết bị y tế tối thiểu cũng không. Ðể đưa cháu H. lên xe đi cấp cứu, mọi người phải dùng ghế nằm nghỉ mát khiêng đi. Khám nghiệm pháp y, cháu H. bị gãy xương ngực nhưng khi đưa cháu lên nhân viên vẫn đè ngực để hô hấp. Theo anh Tâm nhân viên không có kỹ năng nên có thể làm tình trạng cháu H. nghiêm trọng hơn.

Ðể thuê mô tô, anh Tâm và người nhà chỉ cần bỏ tiền là được nổ máy cho đi, thủ tục hết sức đơn giản. Khi đã thuê được thì ai điều khiển cũng được! Ngay cả T, nam thanh niên điều khiển mô tô đâm vào cháu H. cũng thừa nhận với anh Tâm và người nhà: phần vì mô tô nước mạnh tới 1.800 phân khối, phần vì anh này mất kiểm soát nên đã lao thẳng vào nạn nhân.

Anh Tâm cũng cho hay, sau khi xảy ra sự việc, có được chủ khu nghỉ dưỡng thuê xe đưa thi thể nạn nhân về. Còn lại chưa có sự thăm hỏi nào, khiến gia đình bức xúc về thái độ trách nhiệm của khu nghỉ dưỡng này. “Cứ nghĩ khu nghỉ dưỡng to là an toàn, khi xảy ra sự việc mới biết việc mô tô này là của khu nghỉ dưỡng phục vụ cứu hộ cứu nạn cho người tắm nhưng lại đi cho thuê”, anh Tâm cay đắng nói.

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được công an quận Ngũ Hành Sơn điều tra làm rõ.

Muốn điều khiển phải có người giám hộ

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dọc bãi biển Ðà Nẵng kéo dài từ Sơn Trà vào sát Ðiện Bàn (Quảng Nam) rất nhiều ca nô, mô tô nước hoạt động. Vào giờ cao điểm, nhất là buổi chiều các mô tô nước, ca nô nước hoạt động liên tục, rú ga, lượn khắp các bãi tắm với tốc độ rất nhanh. Tại các khu nghỉ dưỡng xung quanh bãi tắm Sơn Thủy trở vào tuy thưa vắng người nhưng các mô tô nước vẫn thường trực, du khách có nhu cầu được nhân viên các khu nghỉ dưỡng này cho thuê.

Một nhân viên cứu hộ tại bãi tắm công cộng Sơn Thủy cho hay, vào buổi chiều, rất nhiều mô tô, ca nô lượn khắp các bãi biển. Chỉ cần khách có nhu cầu, gọi điện là sẽ có mô tô đi. Các mô tô nước chạy rất nhanh, nhiều du khách lần đầu chạy loạng choạng, chết máy, mất lái. Nhiều du khách tắm biển bơi xa nhiều lần suýt bị mô tô nước tông phải. Trong khi đó, nhân viên cứu hộ tại các bãi biển công cộng dụng cụ hết sức sơ sài, việc cứu hộ cứu nạn đối với mô tô nước chủ yếu do nhân viên các khu nghỉ dưỡng đảm trách. Nhân viên cứu hộ chỉ ứng cứu khi xảy ra sự cố, tuy nhiên phương tiện chỉ là phao và thuyền thúng.

Mô tô nước được xem là môn thể thao dưới nước. Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH&TT) thành phố Ðà Nẵng cho biết: Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này phải được cấp giấy phép của Sở VH&TT. Qua kiểm tra, ông Thao khẳng định, resort vừa xảy ra tai nạn chưa được sở này cấp phép hoạt động.

Theo Phó giám đốc Sở VH&TT Ðà Nẵng, hiện Ðà Nẵng chỉ mới cấp phép cho một doanh nghiệp hoạt động mô tô nước dọc bãi tắm Mỹ Khê và một số ít khu nghỉ dưỡng để phục vụ du khách. Những doanh nghiệp đã được cấp phép luôn có nội quy, quy định rất rõ điều kiện hoạt động. Phải có đội ngũ cứu hộ cùng phương tiện ứng cứu khi cần thiết.

Việc các khu nghỉ dưỡng, resort sử dụng loại phương tiện này, theo ông Thao rất khó quản lý. Bởi họ làm trong khu vực bãi tắm của resort, sở cử nhân viên xuống kiểm tra họ không cho vào. “Các doanh nghiệp cấp phép hoạt động phải tuân thủ các quy định, có khu vực riêng và hướng dẫn kỹ càng. Trường hợp tự phát nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc”, ông Thao cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ðà Nẵng cho biết: Trong các cơ sở lưu trú có hoạt động thể thao phải có ý kiến của cơ quan chuyên ngành. Ðồng thời khuyến cáo du khách khi đến Ðà Nẵng, tham gia các trò chơi cần đến các khu vực được cấp phép và có bảng hướng dẫn, có nhân viên hỗ trợ để tham gia các trò chơi.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hung-than-bien-ca-1310468.tpo