Hứng 'sóng' từ Mỹ, biểu tình bạo lực bùng phát ở Paris

Xung đột đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình ở Paris hôm 2/6, sau khi khoảng 20.000 người bất chấp lệnh cấm tụ tập kéo ra đường để phản đối cái chết của một người da màu tương tự như vụ việc vừa xảy ra ở Mỹ.

Người biểu tình Pháp biểu tình bất chấp lệnh giãn cách xã hội. (Ảnh: AP)

Người biểu tình Pháp biểu tình bất chấp lệnh giãn cách xã hội. (Ảnh: AP)

Người biểu tình Pháp giương các biểu ngữ tương tự ở Mỹ để đòi công lý cho Adama Traore, người thiệt mạng cách đây 4 năm cũng vì cảnh sát Pháp dùng bạo lực quá mức.

Cuộc biểu tình nổ ra sau khi có 2 báo cáo y tế khác nhau về nguyên nhân cái chết của Traore. Cảnh sát Pháp vẫn cấm tụ tập đông từ 10 người trở lên vì đại dịch COVID-19 chưa qua.

Biểu tình bắt đầu từ cuối giờ chiều phía bên ngoài tòa án ở khu vực phía bắc của Paris, sau đó người biểu tình ném đồ vật còn cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Xung đột lẻ tẻ xảy ra gần tuyến đường chính của thành phố khi người biểu tình ném đá vào cảnh sát, còn cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su.

Một số người đốt thùng rác, xe đạp và xe scooter để tạo chướng ngại vật trên phố.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner tuyên bố “bạo lực không có chỗ trong một nền dân chủ”.

“Không có gì có thể biện minh cho hành vi diễn ra ở Paris tối nay, khi biểu tình trên các tuyến phố vẫn bị cấm để bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân”, ông Castaner viết trên Twitter.

Người biểu tình Pháp lấy cảm hứng từ phong trào vùng lên trên khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen không có vũ khí. Họ cũng giương các biểu ngữ bằng tiếng Anh như “Cuộc sống của người da màu cũng ý nghĩa” và “Tôi không thở được”.

Trước đó, chị gái Traore đưa ra lời kêu gọi với đám đông: “Hôm nay, chúng ta không chỉ nói về cuộc đấu tranh của gia đình Traore. Đây là cuộc đấu tranh cho mọi người. Khi chúng ta đấu tranh cho George Floyd, chúng ta cũng đấu tranh cho Adama Traore".

“Điều đang diễn ra ở Mỹ là tiếng vang của điều đang xảy ra ở Pháp”, cô nói.

Những cuộc biểu tình khác diễn ra trên khắp nước Pháp, với khoảng 2.500 người tham gia cuộc tập trung ở phía bắc TP Lille, 1.800 người ở Marseille và 1.200 ở Lyon.

Người biểu tình Pháp giương phác họa chân dung Adama Traore. (Ảnh: Reuters)

Trường hợp của Traore từ lâu đã gây tranh cãi ở Pháp.

Sau cuộc cãi vã về chuyện kiểm tra thẻ căn cước công dân, Traore, 24 tuổi, bị cảnh sát truy đuổi trong 15 phút rồi bị bắt giữ trong một ngôi nhà nơi anh ta trốn. Sự việc xảy ra vào năm 2016.

Một trong ba cảnh sát bắt giữ Traore nói với các điều tra viên rằng họ đã đè Traore xuống đất bằng trọng lượng cơ thể của cả ba người.

Traore hôn mê sau khi bị áp giải lên xe cảnh sát rồi tử vong ở đồn cảnh sát gần đó. Anh ta vẫn bị còng tay khi nhân viên y tế đến hiện trường.

Hôm 29/5 vừa qua, các chuyên gia y tế Pháp giúp 3 cảnh sát thoát tội khi kết luận rằng Traore không chết vì ngạt thở, loại trừ khả năng anh ta chết sau khi bị 3 cảnh sát khống chế.

Thay vào đó, các chuyên gia xác định Traore chết vì suy tim, có thể do các nguyên nhân sức khỏe có từ trước. Tình trạng này xảy ra khi gặp phải “sức ép căng thẳng” và gắng sức quá mức, cũng như sự có mặt của tetrahydrocannabinol, một thành phần của cần sa, trong cơ thể anh ta.

Báo cáo lần thứ ba này phủ nhân báo cáo y tế trước đó mà gia đình nạn nhân thuê tiến hành, trong đó khẳng định Traore chết vì ngạt thở.

Bình Giang

theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/hung-song-tu-my-bieu-tinh-bao-luc-bung-phat-o-paris-1667602.tpo