Hưng 'kính' cùng đồng bọn bị truy tố, người bị hại e ngại đòi bồi thường

Với mức truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản, Hưng 'kính cùng đồng bọn có thể lĩnh tối đa 5 năm tù, bên cạnh đó các đối tượng có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại, nhưng người bị hại trong trường hợp này thường có tâm lý e ngại đòi bồi thường.

Mới đây, Viện KSND TP. Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính” SN 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng 4 nhân viên trong tổ Bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên.

Các bị can trên bị Viện KSND TP.Hà Nội truy tố về tội danh Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, khoản 1, Bộ luật Hình sự 2015. Vậy với những hoạt động phi pháp trắng trợn, gây bức xúc dư luận, mức án các đối tượng phải chịu trong trường hợp này là bao nhiêu?

Làm rõ tội Cướp tài sản hay Cưỡng đoạt tài sản

Nhận định về vụ án trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực của nhóm đối tượng này với người bị hại hay không ? Nếu có yếu tố vũ lực thì mức độ đến đâu?

Hưng "kính" cùng đồng phạm bị truy tố.

Hưng "kính" cùng đồng phạm bị truy tố.

Nếu mức độ làm người bị hại "tê liệt ý chí", lâm vào tình trạng "không thể chống cự được" hay không? để xác định tội danh, xác định các yêu tố cấu thành tội phạm: Tội cướp tài sản hay tội Cưỡng đoạt tài sản".

Tội Cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật hình sự quy định: "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm".

Điều 170, Bộ luật hình sự thì quy định về hành vi cưỡng đoạt tài sản như sau: "Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".

Hiện nay, cơ quan điều tra đã kết luận và Viện KSND TP. Hà Nội chỉ truy tố nhóm đối tượng này về tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1, Điều 170, Bộ luật hình sự thì hình phạt theo khoản này chỉ từ 1 năm đến 5 năm tù.

Về nguyên tắc thì tòa án không thể kết tội nặng hơn mức truy tố của VKS. Bởi vậy, nếu VKS vẫn giữ nguyên mức truy tố và tòa án không trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung thì mức hình phạt với nhóm đối tượng này sẽ không quá 5 năm tù.

Khu vực chợ Long Biên.

Nếu vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà cơ quan điều tra có đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh nhóm đối tượng này thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt mới ở mức từ 3 đến 10 năm tù:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

Còn trong trường hợp hành vi phạm tội không thuộc các trường hợp tăng nặng nêu trên thì mức hình phạt theo khoản 1, Điều 170 sẽ không quá 5 năm tù.

Người bị hại e ngại đòi bồi thường

Luật sư Cường cho hay, về nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự thì tài sản hợp pháp của người bị hại thì sẽ thu hồi và trả lại cho người bị hại. Bởi vậy, nếu các đối tượng này không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì tòa án sẽ xác định phần trách nhiệm dân sự và buộc các bị cáo phải trả lại toàn bộ tài sản cho người bị hại.

Nếu có thiệt hại khác cho người bị hại như tổn thương về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thiệt hại tài sản khác thì người gây ra phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, trong vụ án kiểu này thì người bị hại thường e ngại trong việc khai báo và không quan tâm nhiều tới thiệt hại trước đây mà chỉ mong muốn yên ổn làm ăn, đặt nặng vấn đề an toàn, trật tự xã hội.

Đặng Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hung-kinh-cung-dong-bon-bi-truy-to-nguoi-bi-hai-e-ngai-doi-boi-thuong-a435894.html