Hưng 'kính' bị tuyên phạt 48 tháng tù

Sáng 26/7, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng vụ án Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng 'kính') cùng các đồng phạm cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên.

Các bị cáo tại buổi tuyên án sáng nay

Các bị cáo tại buổi tuyên án sáng nay

Theo đó, tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng 48 tháng tù; Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”) 36 tháng tù; Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”) và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”) cùng nhận mức án 42 tháng tù.

Tòa sơ thẩm nhận định, về hành vi phạm tội của các bị cáo, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn nhận tội, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu điều tra, lời khai của người làm chứng, người liên quan.

Việc truy tố các bị cáo tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm quyền sở hữu công dân, làm mất trật tự xã hội.

Các bị cáo có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, gây ra hàng loạt khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại, buộc bị hại phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Hành vi của các bị cáo cần được xử lý nghiêm trước pháp luật để răn đe phòng ngừa chung.

Các bị cáo tại buổi tuyên án sáng nay

Đây là vụ án nghiêm trọng, có đồng phạm. Vì vậy, xét hành vi và vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận thấy bị cáo Hưng giữ vai trò chính, mặc dù không có quyền xếp xe, đuổi xe nhưng bị cáo đã yêu cầu những bị cáo khác gây khó khăn, tạo sức ép cho hộ gia đình chị Nga, anh Hà, tự ý giao cho đàn em thu tiền của gia đình chị, tạo lập bảng kê khác để theo dõi số liệu.

HĐXX nhận định, bị cáo Hưng cần có mức án nghiêm khắc nhất. Với những bị cáo khác, theo HĐXX, các bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Hưng thực hiện những việc làm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước khi đưa ra bản án, HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo đồng phạm những tình tiết giảm nhẹ như các bị cáo đã ăn năn hối cải, việc thành khẩn khai báo có mức độ, đã có bị cáo khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại…

Về trách nhiệm dân sự, bị hại không yêu cầu bồi thường nên HĐXX không xem xét vấn đề này.

Chia sẻ với báo chí sau khi tòa tuyên án, chị Nghiêm Thúy Nga cho biết, ngay trước phiên tòa, chị tiếp tục chịu nhiều áp lực trong công việc. Hoạt động kinh doanh gặp một số cản trở. Vị trí kinh doanh không được sắp xếp ổn định như các hộ kinh doanh khác.

Với mức án HĐXX tuyên phạt các bị cáo, chị không quá quan tâm và sẽ tiếp tục suy nghĩ đến việc sẽ kháng án, đặc biệt khi cảm thấy bất an đối với gia đình hoặc công việc kinh doanh.

Cũng theo chị Nga, khi chị đã mạnh dạn đứng lên tố cáo các thế lực bảo kê ở chợ Long Biên, chị mong muốn, ngoài bản thân chị ra, các tiểu thương khác có cuộc sống yên ổn để làm ăn.

“Nếu sau này, trong khu chợ mà có tình trạng như vậy, tôi mong các tiểu thương mạnh dạn đứng lên đấu tranh, vì công lý luôn thuộc về lẽ phải.” - chị Nga nói.

Dân trí

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/hung-kinh-bi-tuyen-phat-48-thang-tu-104498.html