'Hùm xám' Lê Bẩy và chuyện đắp đê Hà Dong

Một đường đê thẳng tắp ngăn mặn nối với con đường giao thông, thông thương hàng hóa nông-lâm-ngư nghiệp của xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên mang tên Lê Bẩy. Ít ai biết rằng, công trình được thực hiện từ năm 1961 – 1965 chủ yếu dùng sức người.

Câu chuyện về tướng Lê Bẩy, vị Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh) được ông Hà Trung Tuấn, 85 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên kể lại với tôi. Ông Tuấn hiện là Trưởng Ban đại diện Hội người kháng chiến chống Pháp huyện Tiên Yên. Năm 1954, ông Tuấn là bộ đội thuộc Trung đoàn 238, thuộc Sư đoàn 332 của Quân khu Đông Bắc về tiếp quản Tiên Yên.

Tướng Lê Bẩy (Ảnh tư liệu gia đình ông Lê Bẩy)

Tướng Lê Bẩy (Ảnh tư liệu gia đình ông Lê Bẩy)

Ông Tuấn kể, tướng Lê Bẩy thời trẻ là người thông minh nói thạo tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Quan Hỏa. Ông là người có tài cưỡi ngựa, giỏi võ, bắn súng giỏi từng tay không đánh bại nhiều tướng phỉ, còn được nhân dân khắp các huyện miền Đông thời đó tôn vinh là “Hùm xám miền Đông”.

Sau hòa bình lập lại, ông Lê Bẩy trải qua nhiều chức vụ quan trọng của trung ương và của tỉnh, rồi ông lại trở về Tiên Yên chỉ huy nhân dân thực hiện công trình đê và đường tạo bước ngoặt phát triển kinh tế xã Hải Lạng mà đến nay công trình vẫn còn nguyên giá trị. Thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước nước ta còn lạc hậu đa số dùng sức người chống chọi với thiên nhiên, việc đắp đê ngăn biển khơi phát triển kinh tế, những năm tháng đó giống như một kỳ tích. Trong suốt 5 năm, ông Lê Bẩy đã chỉ huy nhân dân hoàn thành đoạn đê Hà Dong với chiều dài 5,3km đê chính bắt đầu từ khu vực cống Hà Thụ đến cống Cáy Đản và hơn 4km đường xuyên qua đồi.

Đê Hà Dong ngày nay là con đường giao thông và ngăn mặn giúp phát triển kinh tế ở xã Hải Lạng.

Lực lượng lao động thời đó là người dân địa phương và một số huyện miền Đông. Tỉnh ủy Hải Ninh còn kêu gọi hàng trăm thanh niên từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó phần đông từ Thái Bình, Hải Dương đến tình nguyện giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Thảo, 81 tuổi, thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng là người trực tiếp tham gia công trình kể lại: Thời ấy tôi mới ở lứa tuổi đôi mươi thuộc lớp thanh niên xung phong đi đắp đê. Chúng tôi làm việc cả ngày, ban đêm có máy nổ thắp đèn, hoặc lợi dụng những đêm trăng sáng để làm. Khi ấy bốn phía đều là nước mặn, chúng tôi phải chèo thuyền sang tận khu Đồi Chè (nay là thôn Đồi Chè, xã Hải Lạng) cách đê Hà Dong mấy cây số để lấy nước ngọt. Không có nhiều thuyền để chở nước cho mấy trăm người, do vậy nước ngọt phải chắt chiu để uống, có khi nấu cơm, canh phải dùng nước mặn. Nhưng chúng tôi làm việc vẫn rất hăng say, dù thời điểm đó chỉ mang tính tình nguyện là chính.

Ông Lê Đoàn, 82 tuổi ở khu phố Đông Tiến là con thứ 2 của tướng Lê Bẩy kể lại. Khi khảo sát độ sâu của khu vực biển trước khi đắp đê, các kỹ sư ở bên trên cầm dây ròng rọc còn ông Lê Bẩy lặn xuống dưới khi chạm đáy rồi ông báo hiệu bên trên căng dây để biết chính xác độ sâu của đoạn đó.

Từ đường nơi thờ tướng Lê Bẩy trong khuôn viên gia đình ông Lê Đoàn tại thị trấn Tiên Yên.

Đoạn sông rộng và sâu nhất nước chảy xiết cần phải nối lại thành đê. Thời đó chưa có ô tô, máy xúc như bây giờ để chở đất đá. Ông Lê Bẩy từ những quan hệ quen biết đã xin lại những chiếc xà lan cũ hỏng của các đơn vị sản xuất than bỏ đi. Ông huy động mọi người chất đầy đá, cát lên các xà lan đó, rồi lợi dụng nước thủy triều lên kéo xà lan chở đầy vật liệu giăng kín khu vực cần nối đê, khi thủy triều xuống các xà lan chở vật liệu hạ xuống tạo thành đoạn đê dài. Công đoạn tiếp theo là đắp để thêm cao, ông Bẩy cũng lợi dụng nước thủy triều khi xuống đổ cát trôi theo, để cát lấp đầy những chỗ hổng.

Con đê hoàn thành đã ngăn mặn cho hơn 800ha diện tích mặt nước, 500ha đồi và hàng trăm ha ruộng không bị nhiễm mặn giúp cho cây lúa trổ bông và ngày nay nghề nuôi trồng thủy sản ở Hải Lạng rất phát triển giúp người dân xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ trở thành triệu phú.

Cũng trong thời điểm này, từ việc đào đất đắp đê lại đem đến ý tưởng cho ông Lê Bẩy mở ra con đường giúp cho việc đi lại vận chuyển và kết nối giữa khu vực đê Hà Dong và các khu vực khác của huyện Tiên Yên, đẩy mạnh việc thông thương và tuyến đường cũng mang tên ông Lê Bẩy.

Ngày nay, Hải Lạng là vùng nuôi tôm, trồng lúa tiêu biểu của huyện Tiên Yên. Nhiều người cao tuổi vẫn nhớ in trong đầu những ngày đắp đê cùng tướng Lê Bẩy để tạo lộc cho con cháu sau này.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202009/hum-xam-le-bay-va-chuyen-dap-de-ha-dong-2498740/