Huế vì sao không hạ giải bức tranh rồng lớn nhất Việt Nam?

Bức 'Long vân khế hội' chùa Diệu Đế (110 Bạch Đằng, thành phố Huế) sẽ được giữ lại nguyên trạng cùng chánh điện cũ trong quá trình trùng tu ngôi quốc tự này, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn bức bích họa từng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục 'Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam' năm 2008.

Một phần bức bích họa độc đáo vẽ trên trần nhà "Long vân khế hội" (Nguồn ảnh Di sản Huế)

Một phần bức bích họa độc đáo vẽ trên trần nhà "Long vân khế hội" (Nguồn ảnh Di sản Huế)

Vào tháng 3/2008, bức tranh “Long vân khế hội” hay còn có tên khác là “Cửu Long ẩn vân” vẽ về hình tượng rồng hết sức độc đáo trên trần nhà và hệ thống cột thuộc chánh điện chùa Diệu Đế được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam”.

Bức bích họa được vẽ công phu trên trần chánh điện chùa Diệu Đế và hệ thống trụ ngôi nội điện này

Tương truyền, bức tranh do họa sĩ cung đình thời Nguyễn - ông Phan Văn Tánh (quê ở huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế) vẽ dưới thời vua Khải Định hơn 100 năm trước. Tuy nhiên, mới đây, các sư thầy chùa Diệu Đế cho rằng, chánh điện chùa Diệu Đế hiện tại không phải là chánh điện cũ (gốc) qua các lần trùng tu được ghi lại trong sách sử triều Nguyễn.

Chánh điện này được Hòa thượng Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại), thực hiện từ năm 1953 đến 1955 thì hoàn thành. Do đó, bức “Long vân khế hội” được vẽ trong giai đoạn từ 1953 đến 1955, chứ không phải được vẽ từ thời Khải Định như một số thông tin trước đây. Về tác giả bức tranh, theo quý thầy chùa Diệu Đế, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin chính xác về người vẽ bích họa “Long vân khế hội” là ai.

Tương truyền, bức tranh được vẽ dưới thời vua Khải Định, nhưng các sư thầy chùa Diệu Đế cho rằng, bích họa rồng được vẽ trong giai đoạn 1953-1955 (nguồn ảnh Di sản Huế)

Mới đây, khi có chủ trương trùng tu chùa Diệu Đế, thay vì sẽ hạ giải trần chánh điện nơi có bức “Long vân khế hội”, các sư thầy quyết định vẫn giữ nguyên trạng bức bích họa này nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu bức tranh rồng có một không hai tại Việt Nam này.

Theo Đại đức Thích Hải Đức, giám tự chùa Diệu Đế, trước khi đưa ra quyết định này nhà chùa đã nghiên cứu rất kỹ và tiếp thu ý kiến từ nhiều phía, từ giới nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia mỹ thuật.

Thay vì triệt giải trong thời gian tới khi trùng tu chùa, các sư thầy thuộc Diệu Đế Quốc tự quyết định giữ lại bức tranh này cùng chánh điện cũ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn (nguồn ảnh Di sản Huế)

Bức tranh từng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” năm 2008. Nay, bức bích họa đã xuống cấp, hoen ố do trần nhà thấm dột (ảnh Đ.Dương)

Thời gian tới, khi có đủ điều kiện kinh phí, chùa sẽ xây chánh điện mới cạnh chánh điện cũ có bức tranh này. Song song công trình xây mới, nhà chùa sẽ tiếp tục tiến hành trùng tu, gia cố phần nội điện của chánh điện cũ, nhằm tăng cường khả năng chịu lực, an toàn của công trình. Dự kiến, giữa hai khu chánh điện cũ - mới này sẽ được kết nối bằng một hệ thống máng xối.

Đến nay, vẫn chưa ai biết về tác giả chính xác của bức bích họa độc đáo này (ảnh Đ.Dương)

Bích họa “Long vân khế hội” được vẽ trên trần và 4 cột trụ của chánh điện chùa Diệu Đế, với các nét vẽ sắc sảo, thể hiện hình tượng các con rồng uốn lượn ở bốn cột trụ lớn cũng như trên trần chánh điện ẩn hiện trong những đám mây.

Trải qua thời gian, năm tháng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bức bích họa hiện xuống cấp nghiêm trọng, màu sắc hoen ố, loang lổ ẩm mốc... cần có phương án bảo về và được bảo tồn, phát huy giá trị.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/hue-vi-sao-khong-ha-giai-buc-tranh-rong-lon-nhat-viet-nam-1362274.tpo