Huế, Quảng Trị: Nước lũ lên nhanh, nhiều nơi bị cô lập trở lại

Từ ngày 16/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to. Mưa lớn kèm các hồ thủy điện vận hành điều tiết lũ đã làm mực nước trên các con sông lên nhanh; nhiều vùng hạ du bị nước lũ cô lập, chia cắt trở lại. Ít nhất đã có 2 trường hợp tử vong mới do mưa lũ.

Nước lũ lên nhanh khiến nhiều vùng thấp trũng ngập sâu trở lại

Nước lũ lên nhanh khiến nhiều vùng thấp trũng ngập sâu trở lại

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Trị, đến chiều 17/10, mực nước trên sông Hiếu đã vượt mức báo động 3, các sông còn lại vươt mức báo động 2. Mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, đã có 82 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn trên địa tỉnh bị ngập lụt. Trong đó, thành phố Đông Hà có tất cả 9 phường đều có nhà bị ngập lụt; ở hai huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị hầu hết các xã, phường, thị trấn đều bị ngập lụt sâu trên diện rộng.

Sáng 17/10, một vụ sạt lở đất đã xảy ra tại thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa). Vụ sạt lở khiến căn nhà của bà Hồ Thị La Ham bị vùi lấp; cháu Hồ Thị Thương (SN 2018) con bà Ham bị tử vong; còn bà Ham bị thương.

Mưa lớn cũng đã khiến đường ray tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km 638+420 giữa ga Quảng Trị và ga Diên Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị bị trôi hết đất đá, chỉ còn ray và tà vẹt treo lơ lửng. Đến chiều nay, sự cố đã được khắc phục, giao thông trên tuyến đường sắt trở lại bình thường.

Người dân thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) trải qua 9 ngày liên tiếp bị nước lũ bao vây, cô lập

Trong khi đó, theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung bộ và đới gió Đông trên cao nên trên đại bàn tỉnh đã có mưa rất to và rải rác có dông.

Tổng lượng mưa từ 1h ngày 16 - 1h ngày 17/10 phổ biến 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.

Tổng lượng mưa cả đợt, từ ngày 17 - 21/10 phổ biến 200 - 350mm, có nơi trên 400mm. Tình hình mưa lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến ngày 21 - 24/10.

Đến khoảng 17h chiều 17/10, lưu lượng các hồ chứa tăng cao, gần mực nước dâng bình thường. Các hồ tiếp tục điều tiết vận hành ứng phó mưa, lũ.

Mưa lớn cùng việc điều tiết lũ đã khiến mực nước trên các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu tăng nhanh trở lại. Hiện, mực nước trên sông Hương là 3,47m, dưới mức báo động III 0,03m; sông Bồ là 4,62m, trên báo động III 0,12m; sông Ô Lâu: 3,16m.

Trong thời gian tiếp theo, mực nước trên các sông tiếp tục lên, trong đó sông Hương dao động ở mức 3,3-3,5m, xấp xỉ Ỉmức báo động III; sông Bồ lên và ở mức 4,7- 4,9m, trên báo động III 0,2-0,4m.

Trước đó, đỉnh lũ các sông của đợt mưa lũ ngày 6 đến 12/10 tại sông Bồ là 5,24m trên báo động III 0,74m; sông Hương là 4,17m trên báo động III 0,67m.

Bà Đào Thị Gái (65 tuổi, ở thôn Xuân Tùy) không khỏi lo lắng khi nước lũ tiếp tục dâng cao, trong khi bà chỉ ở nhà một mình, 3 người con đi làm xa quê, chồng mới mất. Trong đợt lũ nghiêm trọng vừa qua, 2 trên 3 tạ lúa của bà mua bị ướt do không kịp kê cao.

Từ ngày 13 đến 15/10, trời tạnh mưa, mực nước trên các con sông xuống nên phần lớn các địa bàn bị ngập úng đã tạm thời thoát cảnh cô lập, chia cắt. Tuy nhiên, do nước lũ rút chậm nên một số vùng thấp trũng vẫn tiếp tục bị ngập lụt, như các vùng Quảng Vinh, Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Đến chiều 17/10, các khu vực này lại bị ngập sâu trở lại và đã có 9 ngày liên tiếp bị nước lũ bao vây.

Tại thành phố Huế, nước lũ cũng đã vượt tràn Đập Đá; nhiều tuyến đường trong thành phố ngập sâu trở lại.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, trên địa bàn huyện đã có 1 trường hợp tử vong trong đợt mưa lũ từ 16 đến 17/10.

Cụ thể, vào chiều 16/10, chị L.T.N (sinh năm 1976), là cán bộ Trạm Y tế xã Lâm Đớt (trú tại thôn Paris- Kavin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), trên đường đi từ trung tâm huyện A Lưới vào xã Lâm Đớt thì bất ngờ nước lũ tràn về khiến chị cùng phương tiện bị cuốn trôi.

Sau thời gian tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phát hiện thi thể chị N tại khu vực cách chân cầu A So 2 (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) khoảng 50 mét. Hiện thi thể chị N. đã được đưa về gia đình để lo hậu sự.

Mưa lớn cũng đã làm 283 hộ dân tại các xã Hồng Thủy, Trung Sơn, Phú Vinh, A Ngo, Sơn Thủy, A Roàng, Lâm Đớt, Hồng Thượng (huyện A Lưới) phải di dời do sạt lỡ nhà và ngập cục bộ.

Bộ đội Biên phòng giúp dân A Lưới sơ tán khỏi nơi thấp trũng, nguy hiểm và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai

Ngoài ra, các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 49 nối thành phố Huế - A Lưới đã phải dừng lưu thông do nhiều điểm bị sạt lỡ nghiêm trọng từ km 63 đến km 78; tuyến đường Hồ Chí Minh nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam qua địa phận huyện A Lưới bị sạt lỡ.

Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo các điểm nguy hiểm

Hiện tại, UBND huyện A Lưới huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tập trung di dời người dân đến nơi an toàn; khắc phục các tuyến đường huyết mạch; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện.

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hue-quang-tri-nuoc-lu-len-nhanh-nhieu-noi-bi-co-lap-tro-lai-2020101718434293.htm