Huế: Nhà thờ Phủ Cam vẻ đẹp mang tính nghệ thuật và tôn giáo

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là một trong những giáo đường to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế, với lối kiến trúc vừa uy nghi vừa thanh thoát.

Toàn cảnh phía bên ngoài nhà thờ Phủ Cam.

Toàn cảnh phía bên ngoài nhà thờ Phủ Cam.

Không gian kiến trúc hoành tráng

Nhà thờ Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Ðầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Tiến độ thi công nhà thờ chậm và kéo dài (vì nhiều lý do), mãi đến ngày 01/5/1999, mới tiếp tục khởi công xây dựng hai tháp chuông. Và ngày 29/6/2000, sau gần 37 năm, nhà thờ chánh tòa Phủ Cam mới được khánh thành, trở thành ngôi thánh đường rộng lớn vào bậc nhất tại thành phố Huế.

Nhà thờ được kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại, nhưng trang trí thì phần lớn vẫn theo nghệ thuật cổ điển Tây phương. Tiền đường của Phủ Cam trông giống như hàm con rồng đang há miệng, đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời trông vẫn hết sức thanh thoát nhẹ nhàng, mang đầy tính nghệ thuật và tôn giáo.

Nhà thờ được kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại, nhưng trang trí thì phần lớn vẫn theo nghệ thuật cổ điển Tây phương.

Thánh đường Phủ Cam được xây theo quan niệm vật lý kết cấu mới. Các trụ đỡ mái được đúc sát vào hai chân tường trong của nhà thờ, uốn dần ra phía trước khi vươn cao lên, rồi nối lại với nhau từng cặp bằng một đường cong trên đỉnh, mềm mại như những bàn tay đang chắp lại để cầu nguyện. Đặc biệt là ở phần Cung thánh, từ mỗi một trong 4 góc, đều có 3 trụ đỡ vươn dần ra, như những bàn tay muốn nắm lấy nhau, tạo thành một không gian đủ rộng để ôm kín bàn thờ. Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ. Bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối lấy từ Non Nước - Đà Nẵng, đặt trên một viên đàn (hình tròn) có ba cấp tượng trưng cho tam tài: Thiên - Địa - Nhân, một yếu tố trong kiến trúc Phương Đông, là nơi đặt bục giảng của các linh mục và các ghế ngồi cho những người hành lễ.

Đặt trên bệ cao, ngay chính giữa là Cây Thánh Giá (một cây thông lấy từ đồi Thiên An - Huế), có tượng Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh, bên trên là bức họa Đức Chúa Giê-su dang tay ra trong bữa tiệc ly với dòng chữ: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”.

Sự hoàn mỹ, tôn nghiêm

Lòng nhà thờ rộng thênh thang với những dãy ghế dài có thể chứa được khoảng 2.500 người đến dự lễ. Hai bên lòng nhà thờ trang trí hai dãy tranh vẽ đóng trong từng khung gỗ thể hiện về đời Chúa Giê-su, và bên trên là hai dãy cửa kính trong và màu xanh lá chuối non để cung cấp đủ ánh sáng cho nội thất, kể cả vào mùa mưa. Nhà Tạm được xây sát vào phần lõm phía sau của lòng nhà thờ và nằm trên một bệ cao đặt ở chính giữa, vừa trang nghiêm, vừa dễ thấy.

Bên hông nhà thờ Phủ Cam.

Không chỉ khuôn viên nhà thờ mang hình cây Thánh giá, nội thất Thánh đường cũng có hình dáng tương tự với hai cánh hai bên. Không gian bên cánh trái (từ trong nhìn ra) là nơi thiết lập bàn thờ để thờ thánh tử đạo Tống Viết Bường (bị giết năm 1833), người gốc Phủ Cam. Và không gian bên cánh phải (đối diện) là phần mộ của cố Giám mục Nguyễn Kim Điền (1921 - 1988), người có nhiều công nhất trong việc xây dựng nhà thờ này.

Cung thánh đường.

Nhà thờ Phủ Cam có hai ngọn tháp chuông cao 43.5 m (với 12 tầng mỗi tháp), chiều dài và chiều rộng của nhà thờ là 80 m x 24 m, phía trước sân nhà thờ có hai pho tượng thánh Phê-rô và thánh Phao-lô bằng xi măng trắng do nghệ nhân Đinh Văn Lương (TP. Hồ Chí Minh) đúc. Tượng được đúc làm ba đoạn, sau đó, được đổ xi-măng vào ráp lại. Tất cả đã tạo nên sự hoàn mỹ cho một công trình tôn nghiêm, ấn tượng nhưng cũng hết sức mềm mại, gần gũi như cánh tay của Chúa luôn đủ rộng cho tất thảy mọi con chiên ngoan đạo hướng về.

Với những chi tiết kiến trúc đặc sắc nhà thờ Phủ Cam tạo nên một không gian kiến trúc hoành tráng, vừa gần gũi gợi cảm, vừa thánh thiện tôn nghiêm.

Thiên Phúc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hue-nha-tho-phu-cam-ve-dep-mang-tinh-nghe-thuat-va-ton-giao-77899