Huế: Ngư dân Phong Hải vươn khơi bám biển gần bờ, ổn định cuộc sống

Ngư dân xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) ra biển đánh bắt hải sản gần bờ sau khi thời tiết ưu ái, sống êm biển lặng.

Những ngày gần đây thời tiết thuận lợi nên ngư dân xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng nhau ra biển đóng ghe, kéo lưới, câu cá… gần bờ để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Có mặt tại bờ biển xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), PV chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc ghe đang nổ máy tạch tạch chạy đi chạy lại sát bờ khoảng 100m, nhiều ngư dân khác đứng trên bờ hoặc ngồi và chạy quanh dọc bãi cát hướng ra biển để tìm khu vực có hải sản ẩn nấp.

Nhiều ngư dân đứng trên bờ đi dọc bờ biển tìm hải sản và chỗ ẩn nấp.

Nhiều ngư dân đứng trên bờ đi dọc bờ biển tìm hải sản và chỗ ẩn nấp.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây cho biết, mỗi lần ra biển đánh bắt, trước tiên phải tìm khu vực hải sản ẩn nấp. Dù là đánh bắt gần bờ nhưng hiện nay biển Phong Hải vẫn “lắm cá, nhiều tôm”, tháng 6 chủ yếu là mùa kéo ruốc, câu cá nục, mực, vây các trích…. Nếu ra biển buổi tối thì bán sản phẩm đánh bắt được vào sáng sớm hoặc đi biển buối sáng thì bán hải sản vào buổi chiều.

Ghe của ngư dân xã Phong Hải (huyện Phong Điền) đánh bắt gần bờ.

Đang chạy đi chạy lại dọc bờ biển, ông Trần Văn Phú (trú thôn Hải Thành, xã Phong Hải,huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vội vàng cho biết, “nhìn tôi là biết, da đen sạm, mấy anh em phơi nắng cả ngày chạy đi tìm chỗ có cá hoặc ruốc chứ không phải cứ ra đến biển là có đâu, cực lắm con ạ. Còn nếu phát hiện nơi trú ẩn thì phải lập tức báo ngay cho anh em đang chạy ghe buông lưới kết hợp kéo ngay thì mới được”.

PV chúng tôi chào các ngư dân đang hành nghề kéo ruốc và tiếp tục đi dọc theo bờ biển khoảng 500m thì bắt gặp 2 ngư dân đang say sưa sửa chữa, đóng ghe trên bãi cát rộng sát bờ biển để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Tại đây, ông Hồ Văn Dũng (45 tuổ, trú thôn Hải Thành, xã Phong Hải,huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chia sẻ, “Ngư dân ở đây đánh bắt gần bờ nên ít tàu lớn và chỉ sử dụng ghe, để đóng được một chiếc ghe thì mất cả năm trời tính từ khi có vật liệu rồi hoàn thành vì phải ngâm vật liệu rất lâu mới đảm bảo độ bền”.

Cũng theo 2 ngư dân này cho biết, sau khi ngâm vật liệu xong thì đóng khoảng 1 tháng mới xong và chỉ sử dụng được khoảng trên 10 năm nên giá thành cũng rất cao dao động khoảng 35 – 45 triệu đồng/1chiếc. Ngoài ra, mỗi năm phải chi ra khoảng 2 triệu đồng để sửa chữa sau mỗi vụ ra khơi đánh bắt.

Ông Hồ Văn Dũng đang đóng ghe trên bãi biển xã Phong Hải.

Những chiếc ghe mới có giá dao động từ 35 - 45 triệu đồng/1chiếc.

Phát hiện ông Trương Văn Sâm (trú thôn Hải Thành, xã Phong Hải,huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang gỡ cá sát bờ biển, khi đến gần tiếp cận thì ngư dân này tưởng người đến mua cá nên vui vẻ, phấn khởi và sau đó biết là PV nên ông hơi ngại rồi nói “tôi già rồi nên loanh quanh thả lưới gần bờ và mắc con gì lấy con đó đem về chợ bán kiếm sống thôi. Ngày nào được thì trên 500 nghìn đồng và đủ nuôi vợ”.

Ông Trương Văn Sâm đang gỡ cá sát bờ cùng một người chèo ghe phụ.

Các ngư dân xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết thêm, sau khi đánh bắt được vào bờ thì chủ yếu là bán tại chợ quê ở trong xã và khi nào lượng hải sản đánh bắt được nhiều thì gọi điện cho các thương lái về bờ biển thu mua rồi đưa đi bán ở chỗ khác nên cũng không lo đầu ra vì đánh bắt gần bờ thời gian ngắn, được cũng ít.

Đến chợ xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cách bờ biển đi khoảng 1km vào buổi chiều và thấy, dù chợ không nhộn nhịp và khách đến chợ ít nhưng nhiều loại hải sản được các ngư dân đưa ra bán. Trong đó, theo quan sát thì cá nục nhỏ nướng tại chỗ luôn hút khách mua.

Các nục nướng tại chỗ tại chợ xã Phong Hải.

Các nục tươi giá 50 nghìn đồng/1kg.

Một người dân đang bán cá nục nướng tại chỗ cho biết, ngày nào chồng cũng đi câu hoặc kéo ruốc vào buổi sáng sớm và dao động được khoảng 50kg/3 người đi nên đến buổi chiều mới đem ra bán. Giá cá nục nướng tại chỗ là 20 nghìn đồng/10 con và cá chưa nướng là 50 nghìn đồng/1kg, còn ruốc thì bán giá 10 nghìn/1lon (lon sữa) hoặc là 70 nghìn đồng/1kg.

Ông Phan Khánh – Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin, từ đầu năm đến nay chính quyền địa phương luôn tạo điệu kiện, vận động, tuyên truyền cho ngư dân ra biển đánh bắt thủy hải sản ổn định cuộc sống. Đa số là đánh bắt gần bờ nhưng nhiều ngư dân sau những chuyến ra biển cũng có thu nhập ổn định lo cho gia đình và đảm bảo cho con cái học hành.

Hà Oai

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hue-ngu-dan-phong-hai-vuon-khoi-bam-bien-gan-bo-on-dinh-cuoc-song-post270611.info